Cúm là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp có thể xảy ra do nhiều tác nhân khác nhau. Bệnh cúm có nhiều loại, trong đó cúm A H1N1 là một trong những dạng nguy hiểm nhất có thể khiến người bệnh tử vong và lây lan từ người sang người thông qua nước bọt bắn từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Dưới đây là một số thông tin mọi người cần biết về bệnh cúm A H1N1 mà vì cộng đồng tổng hợp được.
Cúm A H1N1 là gì?
Cúm A H1N1 từng là một đại dịch lớn trên toàn thế giới và Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của căn bệnh này. Một số nghiên cứu cho rằng virus gây cúm A H1N1 khởi phát từ lợn nên căn bệnh này còn được gọi là cúm lợn. Tuy nhiên, trên thực tế virus gây cúm A H1N1 đa dạng hơn, có sự kết hợp từ chim, lợn và người từ đó gây ra hiện tượng nhiễm cúm ở người.
Bệnh cúm A H1N1 có thể lây lan từ người sang người thông qua đường hô hấp với tốc độ rất nhanh. Vì vậy, năm 2009 Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã tuyên bố căn bệnh là đại dịch trên toàn thế giới tại thời điểm đó.
Đến nay, cúm A H1N1 vẫn nằm trong nhóm bệnh cúm lây lan từ người sang người tương tự các dạng cúm mùa khác. Nhưng bệnh đã được kiểm soát tốt, điều trị thành công và có vắc-xin phòng ngừa nên đã hạn chế được tối đa các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
Triệu chứng cúm H1N1
Triệu chứng bệnh cúm H1N1 tương tự như các chủng cúm thông thường khác nên rất dễ bị nhầm lẫn và chủ quan không điều trị.
Cụ thể, nếu nhận thấy các dấu hiệu điển hình dưới đây cảnh báo bệnh cúm H1N1, mọi người nên chủ động thăm khám y tế kịp thời:
- Người bệnh bị sốt bất thường, thân nhiệt từ 38 độ trở lên
- Viêm họng, ho (chủ yếu là ho khan)
- Nghẹt mũi, chảy nước mũi
- Đỏ mắt, nước mặt chảy tự nhiên
- Cơ thể nhức mỏi, cảm giác uể oải, suy nhược
- Đau nhức đầu
- Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy
- Buồn nôn, nôn mửa
Cúm H1N1 có nguy hiểm không?
Cúm H1N1 thường mắc phải ở dạng nhẹ, cơ thể có thể tự phục hồi nếu được chăm sóc hợp lý với chế độ dinh dưỡng khoa học. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh có diễn tiến nặng, dẫn đến tình trạng khó thở, viêm phổi, rối loạn cảm giác, nhận thức. Ngoài ra còn có thể gặp phải một số dấu hiệu đặc trưng khác.
Nếu không được tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe đúng cách bệnh có thể dẫn đến tử vong do:
- Suy hô hấp cấp: Thường xảy ra ở những người bệnh có các biểu hiện lâm sàng như thiếu oxy, khó thở, thở dốc, mạch đập nhanh. Chẩn đoán hình ảnh có dấu hiệu tổn thương phổi. Bên cạnh đó có thể đi kèm triệu chứng tổn thương thận, suy thận, suy đa tạng và sốc nhiễm khuẩn dẫn đến tử vong.
- Gây bệnh mãn tính: Cúm A H1N1 có thể dẫn đến các bệnh mãn tĩnh về tim mạch, huyết áp, tiểu đường, suy gan mãn tính, hen suyễn, tắc nghẽn đường thở. Những biến chứng này khiến người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.
Nhìn chung, so với các dạng cúm khác như cúm A H5N1, A H7N9,… thì bệnh cúm AH1N1 ít nguy hiểm hơn. Mặc dù vậy, nó vẫn có thể gây bội nhiễm, suy đa tạng và dẫn đến tử vong. Theo thống kê, trên thế giới ghi nhận mỗi năm có đến 500.000 người bị tử vong do dạng cúm này gây ra.
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, phụ nữ mang thai thường dễ bị rối loạn nội tiết tố dẫn đến hệ miễn dịch suy yếu. Vì vậy, trong giai đoạn mang thai họ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp nhiều lần bình thường. Những biến chứng của HN1N1 gây cho bà bầu là rất nguy hiểm, có thể gây tử vong cho cả mẹ bầu và thai nhi.
Ngoài ra, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi và những người đang mắc bệnh nền mãn tính như tim, tiểu đường, hen suyễn, HIV/AIDS,… cũng có nguy cơ nhiễm cúm A H1N1 cao hơn gấp nhiều lần so với người khác.
Do đó, những người nằm trong nhóm đối tượng này cần lưu ý đến các triệu chứng của bệnh để có biện pháp chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh kịp thời. Nhằm hạn chế thấp nhất các rủi ro không mong muốn do cúm gây ra.
Điều trị cúm A H1N1
Cúm A H1N1 là bệnh gây ra bởi virus nên các loại kháng sinh thông thường không mang lại hiệu quả. Thông thường, người nhiễm virus cúm A H1N1 mức độ nhẹ không cần điều trị bằng thuốc. Hầu hết bệnh sẽ tự khỏi trong khoảng 1 tuần. Trong thời gian này, người bệnh cần hạn chế lao động nặng, uống thật nhiều nước và có kế hoạch nghỉ ngơi hợp lý.
Đối với các trường hợp bệnh có dấu hiệu biến chứng nặng và nằm trong nhóm nguy cơ tử vong cao sẽ được chỉ định sử dụng thuốc kháng virus. Trong vòng 48 giờ các triệu chứng bệnh khởi phát cần được điều trị ngay để đảm bảo kết quả điều trị.
Hiện nay bệnh cúm H1N1 đang được điều trị bằng hai loại thuốc kháng virus hiệu quả nhất là zanamivir và thuốc kháng virus oseltamivir. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ và người bệnh cần thực hiện nghiêm túc phác đồ điều trị để sớm hồi phục sức khỏe.
Phòng chống cúm A H1N1
Mặc dù hiện nay bệnh cúm H1N1 đã được kiểm soát khá tốt nhưng một khi mắc bệnh, virus gây cúm vẫn có thể gây ra những biến chứng nặng nề cho người bệnh. Bên cạnh đó, cúm A H1N1 cũng có tính chất lây truyền giữa người với người thông qua hoạt động giao tiếp thường ngày nên bệnh có thể lây lan nhanh chóng và bùng phát thành đại dịch bất kể khi nào.
Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và vì một cộng đồng khỏe mạnh, mọi người cần thực hiện tốt các vấn đề dưới đây để phòng chống bệnh hiệu quả.
- Thường xuyên dùng xà phòng sát khuẩn để rửa tay hàng ngày, rửa tay sau mỗi lần đại tiện, tiểu tiện hoặc tiếp xúc với chất bẩn.
- Xóa bỏ thói quen dùng tay lau lên mũi, mắt.
- Ghi nhớ việc lấy tay che mũi và che miệng khi ho hoặc khi hắt hơi
- Tuyệt đối không khạc nhổ nước bọt bừa bãi
- Thường xuyên súc họng, vệ sinh mũi và rửa mắt bằng các dung dịch sát khuẩn, đặc biệt là trong các thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi hoặc khi cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi
- Hạn chế tiếp xúc gần với người có biểu hiện nhiễm cúm hoặc đang mắc bệnh cúm ở tất cả các dạng
- Xây dựng thực đơn dinh dưỡng hợp lý, đa dạng các nhóm chất cần thiết cho sức khỏe, tăng cường bổ sung khoáng chất và vitamin để nâng cao sức đề kháng, giúp phòng ngừa virus cúm và sự tấn công của các tác nhân gây bệnh khác.
- Thường xuyên lau sạch và giữ vệ sinh sạch sẽ các bề mặt hàng ngày cần tiếp xúc như tay nắm cửa, bàn chải đánh răng, điện thoại, bàn phím máy tính,….
- Giữ gìn môi trường sống, phòng làm việc, không gian ngủ ngủ sạch sẽ, thoáng khí, vệ sinh, lau chùi sàn nhà bằng các loại hóa chất tẩy rửa thông thường để sát khuẩn hiệu quả.
- Thực hiện kế hoạch tiêm vắc-xin ngừa cúm A H1N1 và các loại vắc-xin khác theo đúng khuyến cáo của Cục y tế dự phòng. Tiêm đúng liều, đủ mũi và tiêm nhắc lại để phòng ngừa bệnh hiệu quả
- Trong trường hợp sốt cao bất thường, cảm thấy tức ngực khó thở cần chủ động tự cách ly với người khác. Sau đó đeo khẩu trang đúng cách đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn cách xử lý, điều trị và phòng tránh gây lây lan bệnh. Điều này giúp hạn chế tối đa nguy cơ tử vong nên mọi người nên chủ động thực hiện nghiêm túc.
Trên đây là một số thông tin chia sẻ về bệnh cúm A H1N1. Hy vọng những kiến thức trong bài viết đã giúp mọi người biết cách nhận biết, điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả hơn. Chúc sức khỏe!