Đến nay y học ghi nhận rất nhiều căn bệnh về mắt nguy hiểm có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh Glocom cũng là một trong những căn bệnh đang được nhắc đến khá nhiều hiện nay. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này và biết cách phòng ngừa điều trị hiệu quả, mời bạn đọc theo dõi nội dung chia sẻ dưới đây.
Bệnh Glocom là gì?
Glocom còn được gọi là bệnh thiên đầu thống, đây là dạng bệnh gây tổn thương nghiêm trọng cho thần kinh thị giác. Xảy ra khi nhãn áp trong mắt bị tăng áp lực bất thường, triệu chứng bệnh càng kéo dài, tổn thương dây thần kinh thị lực càng nặng nề. Hệ quả cuối cùng có thể dẫn đến là mất thị lực và mù lòa.
Theo nghiên cứu y khoa, bệnh Glocom có thể mắc phải do nhiều nguyên nhân với những cơ chế tác động khác nhau. Tuy nhiên, ở giai đoạn toàn phát vẫn có 3 triệu chứng đặc trưng cho tất cả trường hợp. Cụ thể, những dấu hiệu đánh giá bệnh Glocom là:
- Nhãn áp tăng bất thường từ 25mmHg trở lên
- Diện tích thị trường mắt bị thu hẹp
- Thực hiện kỹ thuật soi đáy mắt nhận thấy tình trạng lõm teo đĩa thị.
Theo thống kê năm 2007, trên thế giới có tỷ lệ người bị mù cả hai mắt do bệnh Glocom gây ra ở người trên 50 tuổi là 6,5%. Căn bệnh này đứng thứ 3 trong các bệnh có thể gây mù lòa (cụ thể là sau bệnh đục thủy tinh thể và các bệnh về bán phần sau).
Hiện nay, ở nước ta có đến hơn 24.000 người rơi vào tình trạng mù lòa do Glocom gây ra. Các nghiên cứu y khoa cũng cho biết, căn bệnh này có tính tự phát và có yếu tố di truyền. Do đó, bệnh rất khó được kiểm soát ở các trường trường mắc bệnh dạng nguyên phát.
Ngoài ra, bệnh cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân thứ phát khác, cụ thể là:
- Người bệnh lạm dụng các loại thuốc corticoid toàn thân hoặc điều trị cho mắt trong một thời gian dài
- Người mắc bệnh tiểu đường không được chăm sóc điều trị đúng cách khiến lượng đường trong máu không được kiểm soát
- Người mắc bệnh cao huyết áp dẫn đến biến chứng ở mắt nhưng không được điều trị hiệu quả
- Người bị chấn thương mắt, bỏng mắt hoặc viêm màng bồ đào chủ quan không điều trị hoặc không điều trị dứt điểm
- Người mắc bệnh đục thủy tinh thể trong giai đoạn cuối dẫn đến tăng nhãn áp.
Các triệu chứng nhận biết bệnh Glocom được chia thành 2 nhóm như sau:
Triệu chứng dạng cơ năng
- Người bệnh cảm thấy đau nhức mắt bất thường, cảm giác rõ rệt ở quanh các hốc mắt. Cơn đau lan tỏa lên nửa đầu cùng chiều với bên mắt bị đau
- Thị lực giảm, nhìn vào ánh đèn điện thấy quầng xanh đỏ
- Một số trường hợp, người bệnh nhạy cảm với ánh sáng, sợ ánh sáng, nước mắt chảy tự nhiên
Triệu chứng bệnh thực thể
- Các mi mắt bị sưng nề
- Lòng mắt đỏ, giác mạc mờ đục kèm dấu hiệu phù nề. Xuất hiện bọng mắt ở biểu mô
- Thể thủy tinh trong mắt chuyển sang dạng đục màu hoặc có màu xanh lơ. Một số trường hợp có thể xuất hiện vết rạn phía bao trước. Phù nề dịch kính.
- Đồng tử mắt giãn theo dạng méo mó, mất khả năng phản xạ với ánh sáng. Tiền phòng nông hơn bình thường
- Đáy mắt có dấu hiệu trong đơn cấp, môi trường trong suốt bị phù nề, khó soi. Nếu soi thấy đáy mắt xuất hiện gai thị hồng thì rất có thể đã bị xuất huyết quanh các gai.
Glocom là nguyên nhân điển hình thứ 3 dẫn đến tình trạng mù lòa khiến người bệnh vĩnh viễn mất khả năng quan sát. Làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó mỗi người nên nâng cao kiến thức về căn bệnh này để có biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả nhất.
Bệnh Glocom có chữa được không?
Với sự tiến bộ của nền y học hiện đại, bệnh Glocom có thể chữa được nếu phát hiện và điều trị sớm. Điều trị căn bệnh này được gọi là cấp cứu nhãn khoa. Khi nhận thấy dấu hiệu bệnh hoặc nghi ngờ triệu chứng bệnh cần được thăm khám, chẩn đoán và điều trị ngay bằng các loại thuốc đặc trị dạng tra mắt và các loại thuốc uống. Mục đích là làm hạ nhãn áp mắt, giảm áp lực cho dây thần kinh thị lực.
Hiện nay, bệnh Glocom có thể được kiểm soát tốt nên nhiều trường hợp cho rằng bệnh đã khỏi, không cần theo dõi và tái khám theo chỉ định. Hệ quả dẫn đến là tổn thương thần kinh thị lực vẫn diễn tiến trong âm thầm, đến một mức độ nào đó sẽ dẫn đến hiện tượng mất thị lực và mù vĩnh viễn.
Do đó, người bệnh luôn luôn phải tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Sử dụng thuốc đúng liều và đủ liệu trình để đạt được kết quả tốt nhất và phòng ngừa các biến chứng xấu do tác dụng phụ của thuốc.
Ngoài ra, trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tái khám định kỳ thường xuyên. Thực hiện nghiêm túc phác đồ điều trị của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả chữa bệnh.
Xem thêm: Bệnh quáng gà là gì? Thiếu vitamin gì, có chữa được không?
Cách phòng bệnh Glocom
Glocom là một trong những căn bệnh rất nguy hiểm về mắt nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh hiệu quả nếu thực hiện tốt các khuyến nghị dưới đây:
- Tuyệt đối không tự ý hoặc lạm dụng sử dụng các loại thuốc chữa mắt có chứa corticoid. Trong trường hợp cần thiết, hãy thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn hướng dẫn thuốc đúng cách, an toàn, giảm thiểu các tác dụng phụ trong thuốc
- Người mắc bệnh lý nền như cao huyết áp, tiểu đường,… cần theo dõi sức khỏe chặt chẽ, kiểm tra đường huyết và tim mạch thường xuyên để ổn định chỉ số huyết áp và đường huyết ở mức bình thường. Kết hợp với việc kiểm tra đáy mắt định kỳ để tầm soát sớm nguy cơ bệnh
- Người mắc bệnh đục thủy tinh thể cần có kế hoạch phẫu thuật sớm để hạn chế biến chứng của bệnh ở giai đoạn cuối dẫn đến mù lòa
- Trong trường hợp bị bỏng hóa chất hoặc bị chấn thương ở mắt cần được sơ cứu, điều trị kịp thời
- Bệnh Glocom có yếu tố di truyền nên trong gia đình có người thân mắc bệnh thì những thành viên khác nên chủ động thăm khám mắt định kỳ để được tư vấn phòng ngừa bệnh và tầm soát sớm triệu chứng bệnh.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh Glocom. Hy vọng đã cung cấp đến độc giả thêm nhiều kiến thức hữu ích giúp bảo vệ sức khỏe hiệu quả hơn. Chúc bạn đọc nhiều niềm vui!