Cứng khớp gối là tình trạng ổ khớp bị căng cứng, đau nhức làm hạn chế khả năng vận động của người bệnh. Lúc này người bệnh phải tích cực lập luyện, vận động thể chất để hạn chế các biến chứng xấu có thể xảy ra. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân bị cứng khớp và áp dụng bài tập phục hồi chức năng vận động hiệu quả, mời bạn đọc theo dõi nội dung chia sẻ dưới đây.
Nguyên nhân cứng khớp gối
Cứng khớp gối là hệ quả của tình trạng ít vận động hoặc khớp bị tổn thương. Tình trạng này kéo dài khiến ổ khớp mất đi sự linh hoạt, vì thế khả năng vận động của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo chia sẻ của các bác sĩ chuyên khoa Xương khớp, cứng khớp gối chủ yếu xảy ra do các nguyên nhân sau:
Cứng khớp gối sau phẫu thuật
Phẫu thuật khớp gối hoặc phẫu thuật cột sống khiến người bệnh phải nằm điều trị trong một thời gian dài. Sự bất động về khớp quá lâu khiến hệ thống dây chằng, bó cơ bị xơ hóa, kém linh hoạt và mất đi khả năng đàn hồi bình thường. Khi vận động trở lại, người bệnh sẽ cảm thấy yếu cơ, cứng khớp, mất cảm giác tứ chi khi cử động.
Cứng khớp gối sau bó bột
Tương tự như việc phẫu thuật, bó bột cũng là nguyên nhân cứng khớp gối khá phổ biến. Các chấn thương trong quá trình làm việc như giãn dây chằng, bong gân, trật khớp, gãy xương….. khiến người bệnh phải cố định vị trí bị thương để tái tạo và phục hồi chức năng xương khớp.
Thông thường thời gian bó bột sẽ kéo dài khoảng 2 tháng. Trong khoảng thời gian này người bệnh không thể vận động, đi lại như bình thường. Do ít được cử động, các dây chằng, dây thần kinh, mô cơ xung quanh khớp cũng bị căng cứng, xơ hóa và gây ra tình trạng cứng khớp.
Cứng khớp gối do bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là dạng bệnh rối loạn tự miễn ở hệ xương khớp và có tính chất mãn tính. Các phản ứng sưng, viêm, tấy đỏ ở các đầu khớp khiến sụn xương, mô mềm xung quanh bị tổn thương, xơ hóa và mất khả năng cử động.
Triệu chứng bệnh thường bộc phát trầm trọng ở giai đoạn toàn phát và tiến triển nhanh chóng dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như dính khớp, biến dạng khớp, chức năng khớp suy giảm. Người bệnh thường xuyên gặp phải tình trạng cứng khớp gối, nhất là khi thời tiết thay đổi hoặc sau khi mới ngủ dậy. Căn bệnh này có thể dẫn đến nguy cơ tàn phế nếu không được can thiệp điều trị hiệu quả.
Bệnh thoái hóa khớp gây cứng khớp gối
Thoái hóa khớp là tình trạng xương dưới sụn và lớp sụn bao bọc đầu khớp bị bào mòn và yếu dần theo sự lão hóa tự nhiên của cơ thể. Từ đó khiến sụn khớp mất đi sự linh hoạt và dẻo dai vốn có. Dịch nhầy bôi trơn ổ khớp cũng bị cạn kiệt khiến đầu khớp bị khô cứng, cọ xát vào nhau gây ra triệu chứng đau nhức khó chịu.
Ngoài ra, bệnh thoái hóa khớp còn gây ra tình trạng cứng khớp, đau khớp, hạn chế khả năng vận động của người bệnh. Đến giai đoạn nghiêm trọng, người bệnh có thể bị rối loạn vận động và bại liệt.
Cứng khớp gối do bệnh gout
Gout là dạng viêm khớp do sự rối loạn chuyển hóa axit uric gây ra. Các phản ứng sưng, viêm thường xảy ra ở bàn chân hoặc khớp khớp. Lúc này người bệnh sẽ gặp phải một số triệu chứng bất thường như cứng khớp gối, nóng đỏ khớp gối, cảm giác đau đớn ở các khớp, tầm vận động bị hạn chế.
Vật lý trị liệu phục hồi chức năng cứng khớp gối
Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị bảo tồn giúp hạn chế diễn tiến xấu của bệnh và tăng cường khả năng vận động của khớp gối, giúp người bệnh có thể sinh hoạt, làm việc bình thường.
Một số phương pháp đang được áp dụng phổ biến là:
Bài tập căng gân
Các động tác trong bài tập giúp kéo giãn cơ đùi phía sau. Người tập sẽ cảm nhận được sự căng giãn ở mặt sau đùi và vùng cơ mông. Nếu được thực hiện thường xuyên, tình trạng cứng khớp gối sẽ được khắc phục hiệu quả, giúp người bệnh đi lại, làm việc dễ dàng hơn.
Hướng dẫn thực hiện:
- Người bệnh trải một tấm thảm dưới mặt sàn rồi nằm lên thảm tập. Hai chân duỗi thẳng
- Uốn cong hai đầu gối, bàn chân đặt ở trên mặt sàn sau đó nâng cao một chân thoái khỏi mặt sàn
- Hai tay đưa ra phía sau đùi đặt ở phần đầu gối để kéo đầu gối về phía ngực một cách chậm rãi cho đến khi cảm thấy cơ thể căng nhẹ mà không đau thì giữ nguyên trong khoảng 30 giây
- Từ từ hạ chân xuống, thực hiện lặp lại nhưng đổi chân
- Mỗi ngày tập 2 lần mỗi chân, tình trạng căng khớp gối sẽ sớm được cải thiện
Bài tập vật lý trị liệu nâng bắp chân
Hướng dẫn thực hiện:
- Người tập đứng thẳng trên mặt sàn, hai chân mở rộng bằng vai, (có thể đứng dựa lưng vào ghế hoặc vào tường để làm điểm tựa)
- Hai gót chân nâng cao lên khỏi mặt đất, dùng mũi bàn chân để làm điểm bám trụ cho cơ thể. Duy trì tư thế trong khoảng 10 giây
- Hạ gót chân xuống rồi đưa cơ thể trở về tư thế ban đầu
- Thực hiện lặp lại 10 -15 lần mỗi hiệp. Mỗi ngày tập khoảng 15 phút để đảm bảo hiệu quả điều trị
Phục hồi chức năng khớp gối bằng bài tập cong đầu gối
Hướng dẫn thực hiện:
- Người tập nằm sấp xuống sàn tập với tư thế thoải mái, hai chân duỗi thẳng
- Gập đầu gối về phía mông
- Di chuyển 1 chân lên cao một cách chậm rãi rồi từ từ hạ chân xuống về tư thế ban đầu
- Thực hiện lặp lại nhưng đổi chân
- Mỗi ngày áp dụng bài tập khoảng 20 phút để tình trạng cứng khớp gối sớm được khắc phục
Ngoài các bài tập nêu trên, người bị cứng khớp gối cũng có thể áp dụng các bài tập nhẹ nhàng như: Aerobic, bài tập thăng bằng, bài tập yoga,… Các bài tập này đều giúp cơ thể vận động nhẹ nhàng, cải thiện chức năng xương khớp và tăng cường sự linh hoạt cho sụn, khớp xương, giúp cải thiện tình trạng cứng khớp hiệu quả.
Trên đây là một số thông tin chia sẻ về tình trạng cứng khớp gối và biện pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng khớp gối hiệu quả. Hy vọng đã giúp người bệnh lựa chọn được bài tập phù hợp để sớm hồi phục khả năng vận động. Chúc bạn đọc sức khỏe!