Thoái hóa cột sống là bệnh xương khớp phổ biến, thường xuất hiện ở người già. Bệnh gây ra những cơn đau nhức mỏi khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt người bệnh. Tuy nhiên hoàn toàn có thể kiểm soát được các cơn đau nhức và kéo dài thời gian xương khớp bị thoái hóa. Cùng Vì cộng đồng tìm hiểu rõ hơn thoái hóa cột sống là gì, do nguyên nhân nào gây ra, có những triệu chứng nhận biết gì, có nguy hiểm không, chữa khỏi được không, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa như thế nào?
Thoái hóa cột sống là gì?
Thoái hóa cột sống là tình trạng cột sống bị tổn thương, đĩa đệm, sụn khớp cột sống bị thoái hóa gây ra những cơn đau nhức mỏi rất khó chịu, cột sống bị biến dạng và khả năng di chuyển của người bệnh bị hạn chế.
Hai vị trí cột sống dễ bị thoái hóa là cột sống cổ (thường là các đốt C5-C6-C7) và cột sống lưng (đặc biệt các đốt L4-L5, L5-S1).
Thông thường, thoái hóa cột sống xảy ra từ độ tuổi trung niên. Nhưng hiện nay, căn bệnh này đang ngày càng trẻ hóa, xảy ra ở cả người trong độ tuổi 30 – 35.
Nguyên nhân thoái hóa cột sống
Căn bệnh này do nhiều nguyên nhân gây ra. Các nguyên nhân được chia thành hai nhóm là nguyên phát (khách quan) và thứ phát (chủ quan).
Nguyên nhân khách quan (nguyên phát)
Do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể: Càng lớn tuổi thì xương khớp càng lão hóa, cấu trúc cột sống bị tổn thương như rách nứt bao xơ đĩa đệm, xơ hóa dây chằng, đĩa đệm bị mất nước, hao mòn mô sụn…
Quá trình thoái hóa cột sống diễn ra nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào lối sống sinh hoạt. Có thể xảy ra khi vừa mới bước sang độ tuổi 30 – 35 nhưng có người lại diễn ra muộn hơn ở độ tuổi 50, 60.
Nguyên nhân chủ quan (thứ phát)
Ngoài do lão hóa tự nhiên, thoái hóa cột sống có thể xảy ra do những nguyên nhân phổ biến sau:
- Tư thế sai: Ngồi, nằm sai tư thế, ngồi hoặc đứng quá lâu ở một tư thế, ngồi nhiều, mang vác, xách nặng ở bên thuận….
- Chấn thương ở cột sống do bị tai nạn, té ngã, phẫu thuật cột sống…
- Làm việc nặng nhọc quá sức: Thường xuyên phải mang vác, bưng bê, xách vật nặng, hay phải xoay người, xoay cổ, cúi người, khom lưng….
- Lười vận động: Làm cho xương khớp bị suy yếu, thiếu linh hoạt, giảm sự trao đổi chất dinh dưỡng, giảm tuần hoàn máu đến xương khớp, làm quá trình thoái hóa diễn ra nhanh hơn.
- Thừa cân béo phì khiến cho cột sống phải chịu áp lực lớn, đặc biệt vùng thắt lưng đẩy nhanh quá trình thoái hóa ở cột sống.
- Ăn uống thiếu chất: Chế độ ăn uống thiếu khoa học, không đủ chất như thiếu hụt canxi, kali, magie, vitamin D, K,… làm cho xương khớp dễ bị loãng xương, quá trình tái tạo sụn khớp cũng chậm khiến cho tốc độ thoái hóa diễn ra nhanh chóng.
- Di truyền, bẩm sinh: Một số trường hợp sinh ra đã bị cong vẹo, gù vẹo cột sống, cấu trúc cột sống yếu hơn bình thường và dễ bị thoái hóa hơn.
- Bia rượu, chất kích thích, thuốc lá: Những loại này khiến cho cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng, canxi kém làm cho xương khớp bị suy yếu dễ bị thoái hóa.
- Tập luyện thể dục thể thao sai cách, quá sức
Triệu chứng thoái hóa cột sống
Tùy thuộc vào bệnh đang ở giai đoạn nào, thoái hóa xảy ra ở vị trí nào mà sẽ có những dấu hiệu, triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, bệnh có những triệu chứng chung điển hình sau:
Đau nhức
Những cơn đau nhức ở vùng cột sống bị thoái hóa diễn ra âm ỉ hoặc dữ dội gây đau đớn, khó chịu, khó khăn khi di chuyển. Mức độ đau sẽ tăng nặng hơn hơn người bệnh di chuyển, vận động và giảm khi được nghỉ ngơi.
Xương khớp kêu lục đục
Khi xương khớp bắt đầu có dấu hiệu bị khô khớp, thoái hóa, người bệnh có thể nghe được tiếng kêu lạo xạo, lục đục mỗi khi thay đổi tư thế, hoặc tập luyện.
Cơn đau nhức lan rộng
Những cơn đau nhức bắt đầu lan rộng sang các vùng xung quanh khi thoái hóa khớp nặng. Cơn đau lan từ vùng cổ sang bả vai gáy, cánh tay, cổ tay. Hoặc đau nhức vùng thắt lưng lan rộng sang hông mông, xuống chân, bàn chân.
Mất ngủ, mệt mỏi, chán ăn, cơ thể suy nhược
Những cơn đau nhức “hành hạ” khiến cho người bệnh luôn bị mệt mỏi, khó chịu, ăn uống không ngon miệng, mất ngủ. Lâu dần cơ thể sẽ bị suy nhược.
Tê bì chân tay
Bị tê bì tay, tê bì chân, có cảm giác như bị kiến cắn, kim chích, chân/tay bị tê cứng, không có cảm giác, khó khăn khi cử động tay, chân.
Vận động gặp khó khăn, hạn chế
Khi quá trình thoái hóa cột sống diễn ra, cột sống bị biến dạng, dần dần mất đi đường cong sinh lý vốn có, chức năng cũng sẽ bị thay đổi. Người bệnh sẽ gặp khó khăn khi di chuyển, vận động như khó gập người, vặn mình, cúi người, xoay người…
Thoái hóa cột sống có nguy hiểm không?
Thoái hóa cột sống không đe dọa trực tiếp đến tình mạng người bệnh nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách, bệnh sẽ tiến triển nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Những biến chứng đó là:
- Gây những cơn đau nhức dữ dội, khó chịu, cứng khớp khiến cho người bệnh gặp khó khăn khi vận động.
- Gây bệnh thoát vị đĩa đệm: Cột sống bị thoái hóa khi bị tác động đủ mạnh sẽ làm cho đĩa đệm dễ bị thoát vị. Khi đó, người bệnh không chỉ bị những cơn đau đớn hỏi thăm, hạn chế khi cử động mà còn có nguy cơ bị đau rễ thần kinh cột sống, teo cơ, rối loạn đại tiểu tiện, tàn phế cả đời.
- Có thể gây đau dây thần kinh tọa, gai cột sống, vôi hóa cột sống, cột sống bị cong vẹo, biến dạng…
- Gây bệnh rối loạn tiền đình: Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, mất ăn mất ngủ, thậm chí trầm cảm. Người cao tuổi còn kèm thêm tình trạng hoa mắt, chóng mặt, rất dễ bị ngã, tai nạn.
- Bại liệt, tàn phế: Dây thần kinh cột sống bị chèn ép gây tê bì chân tay, lâu dần theo thời gian tiến triển nặng hơn dẫn đến bại liệt, tàn phế cả đời.
Bệnh thoái hóa cột sống chữa khỏi được không?
Thoái hóa cột sống là quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, dễ ra từ từ và nặng dần theo thời gian. Vì thế không thể chữa khỏi triệt để được căn bệnh này. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể kiểm soát được các triệu chứng của bệnh và làm chậm quá trình thoái hóa bằng những biện pháp đúng, phù hợp.
Chẩn đoán thoái hóa cột sống
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện hỏi triệu chứng bệnh, tiền sử bệnh lý, các loại thuốc trước đó và bây giờ đang sử dụng, thực hiện thăm khám lâm sàng. Sau đó, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm để có kết quả chẩn đoán chính xác. Những xét nghiệm đó gồm:
- Chụp X-quang
- Chụp CT scan
- Chụp MRI
- …
Điều trị thoái hóa cột sống
Có nhiều phương pháp điều trị mang lại hiệu kiểm soát căn bệnh thoái hóa cột sống, điển hình gồm có:
Điều trị không dùng thuốc
- Người bệnh nên nghỉ ngơi nhiều hơn, không thực hiện các động tác gắng sức, không mang vác, bưng bê vật nặng
- Thực hiện kéo giãn cột sống, xoa bóp, châm cứu…
- Áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu để giảm đau nhức, nắn chỉnh, sửa chữa tư thế xấu không tốt cho cột sống, giảm đau nhức cơ gân
- Tiến hành nhiệt điều trị như chườm nóng, chiếu đèn hồng ngoại, siêu âm…
- Luyện tập thể dục thể thao vừa sức, nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ…
Điều trị bằng thuốc
Những loại thuốc được bác sĩ kê đơn để điều trị thoái hóa cột sống gồm có:
Thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau chứa acetaminophen như Efferalgan, Paracetamol, thuốc giảm đau chứa Efferalgan codein hoặc morphin. Lựa chọn loại thuốc nào, liều lượng như thế nào sẽ phụ vào tình trạng đau nhức.
Thuốc chống viêm không chứa steroid
Có thể sử dụng một trong số những loại thuốc sau:
- Celecoxib (hoặc Celebrex) dạng viên 200mg, sử dụng 1 – 2 viên mỗi ngày sau khi ăn no. Loại thuốc này không dùng cho người có tiền sử bệnh thận, tim mạch, người cao tuổi khi sử dụng cần phải hết sức thận trọng.
- Diclofenac (hoặc Voltaren) ở dạng viên 50mg, mỗi ngày dùng 2 viên/2 lần uống sau khi ăn no, hoặc uống 1 viên Diclofenac 75mg sau ăn no. Bên cạnh đó, có thể sử dụng thuốc ở dạng ống tiêm bắp liều lượng 75mg mỗi ngày. Sử dụng trong thời gian khoảng 2 – 3 ngày đầu khi những cơn đau nhức dữ dội hành hạ, sau chuyển sang thuốc dạng viên nén đường uống.
- Piroxicam (hoặc Feldene) ở dạng viên 20mg, mỗi ngày uống 1 viên sau khi ăn no. Hoặc dùng thuốc ở dạng ống tiêm bắp, ngày 20mg trong thời gian khoảng 2 – 3 ngày đầu khi người bệnh bị đau nhiều, sau chuyển sang thuốc dạng viên nén đường uống.
- Meloxicam (hoặc Mobic) dạng viên nén 7,5mg, mỗi ngày uống 2 viên sau khi ăn no. Hoặc có thể dùng thuốc ở dạng ống tiêm bắp, mỗi ngày 15mg, tiêm trong thời gian 2 – 3 ngày đầu khi người bệnh bị đau nhức nhiều, sau đó chuyển sang thuốc dạng viên nén đường uống.
Lưu ý: Không kết hợp hai loại thuốc kháng viêm không chứa steroid với nhau, có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
Thuốc giãn cơ
Những loại thuốc giãn cơ được sử dụng, đó là:
- Thuốc mydocalm dạng viên nén 150mg, mỗi ngày uống 3 viên, chia làm 3 lần uống nếu như tình trạng cơ bị co cứng nhiều.
- Thuốc mydocalm dạng viên nén 50mg, mỗi ngày uống 4 viên chia làm 2 lần uống nếu như cơ bị co cứng nhẹ, trung bình. Hoặc có thể sử dụng thuốc Myonal dạng viên nén thay thế, mỗi ngày uống 3 viên, chia làm 3 lần uống.
Thuốc chống trầm cảm
Được sử dụng khi vừa bị đau nhức thắt lưng, vừa có các triệu chứng căng thẳng, trầm cảm, thường xuyên lo âu. Một số loại thuốc thường được dùng là thuốc amitriptylin dạng viên nén 25mg, mỗi ngày uống từ 1 – 2 viên hoặc thuốc Dogmatil dạng viên nén 50mg, mỗi ngày uống từ 1 – 3 viên.
Tiêm ngoài màng cứng
Được thực hiện khi người bệnh có dấu hiệu bị đau dây thần kinh tọa. Loại thuốc được dùng là thuốc hydrocortison acetat 125mg/5ml. Thực hiện tiêm 3 mũi và mỗi đợt tiêm cách nhau khoảng 5 – 7 ngày.
Điều trị ngoại khoa thoái hóa cột sống
Thực hiện điều trị ngoại khoa thực hiện phẫu thuật khi xảy ra các trường hợp sau:
- Có biến chứng hội chứng chùm đuôi ngựa
- Xảy ra tình trạng đĩa đệm bị thoát vị kèm theo đó là tình trạng đau thần kinh tọa kéo dài, liên tục
- Xảy ra hội chứng cổ vai tay chèn ép cột sống cổ khi đã điều trị bằng các biện pháp nội khoa nhưng không cho hiệu quả
- Tình trạng ống sống bị hẹp, các triệu chứng thần kinh do bệnh tiến triển nặng nề
Phòng ngừa thoái hóa cột sống hiệu quả
Cột sống bị thoái hóa là quá trình tự nhiên, không ai có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, có thể ngăn ngừa, làm chậm quá trình lão hóa xảy ra bằng những biện pháp sau:
- Uống đầy đủ nước mỗi ngày, hàng ngày cần uống đủ 2 – 2,5 lít nước. Có thể là nước lọc, nước canh hoặc nước trái cây.
- Tránh uống bia rượu, đồ uống có cồn, có chứa chất kích thích, nước ngọt có gas…
- Bổ sung những đồ ăn, thực phẩm giàu canxi, vitamin D, K… Tránh ăn thực phẩm nhiều chất béo, chiên xào nhiều dầu mỡ…
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, áp lực
- Ngủ, ngồi đúng tư thế, không ngồi, đứng quá lâu ở một tư thế. Sau mỗi giờ làm việc nên đứng lên đi lại.
- Có thể uống bổ sung thêm glucosamine
- Tránh làm những công việc quá sức, nâng đỡ, mang vác vật cần đúng tư thế
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao điều độ, tập những bài tập tốt cho sức khỏe xương khớp
Những thông tin về thoái hóa cột sống trên đây mong rằng giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về căn bệnh này. Từ đó có thể nhận biết được những triệu chứng bệnh sớm, có biện pháp điều trị đúng, kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra. Bên cạnh đó, biết được cách phòng ngừa làm chậm quá trình thoái hóa xương khớp hiệu quả.