Teo cơ chân là tình trạng suy giảm sức mạnh và khối lượng của cơ ở 2 chi dưới, khiến cho người bệnh gặp phải rất nhiều phiền toái và hệ lụy về sức khỏe. Hiện tượng này có thể gặp ở bất kì độ tuổi nào và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn về các yếu tố gây bệnh cũng như cách phục hồi cơ chân bị teo nhé.
Nguyên nhân teo cơ chân
Hiện tượng teo cơ chân có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Song, chúng thường được chia thành 3 nhóm chính như sau:
Nguyên nhân liên quan đến dinh dưỡng
Dinh dưỡng yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển của cơ bắp. Vì thế, không quá ngạc nhiên khi đây chính là lý do hàng đầu gây ra hiện tượng teo cơ chân.
Ở trẻ nhỏ, nếu không được bổ sung đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là vào giai đoạn phát triển, khối lượng cơ sẽ bị thiếu hụt, dẫn đến suy dinh dưỡng.
Với người lớn tuổi, hiện tượng teo cơ chân thường xuất phát từ sự lão hóa của cơ thể, khiến chúng không thể hấp thụ và sản sinh đầy đủ các dưỡng chất nuôi cơ. Chính vì vậy, cả cơ và xương đều sẽ bị yếu dần và rất dễ bị tổn thương. Thêm vào đó, so với người trẻ, hiện tượng teo cơ ở người già thường nghiêm trọng hơn do rất khó để phục hồi.
Ngoài ra, nếu bệnh nhân gặp phải các vấn đề về nuốt thì teo cơ chân cũng có thể xảy ra, dù họ có nỗ lực cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể.
Nguyên nhân liên quan đến bệnh lý
Bên cạnh yếu tố dinh dưỡng, người bệnh khi mắc các bệnh lý khác nhau cũng có thể khiến cơ bắp bị suy giảm. Nguyên nhân của tình trạng này chính là do sự thiếu hụt vận động của cơ thể, khi người bệnh buộc phải nằm điều trị trong thời gian dài. Tình trạng này cũng xảy ra đối với những người gặp phải các chấn thương nghiêm trọng như gãy xương đùi, bị bỏng nặng hoặc mắc phải chứng thoát vị đĩa đệm.
Ngoài ra, do đặc thù công việc hoặc do lối sống thiếu lành mạnh, một số người sẽ có thói quen ngồi nhiều, ít vận động. Đó cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến teo cơ chân.
Đặc biệt, teo cơ chân cũng có thể xảy ra do một số bệnh lý đặc thù về mạch máu và hệ cơ. Ví dụ, bệnh loạn dưỡng cơ do di truyền khiến cơ bị yếu, teo đi và tàn tật. Bệnh viêm da cơ gây các nốt phát ban và suy yếu cơ bắp. Bệnh xơ vữa động mạch khiến lượng máu giàu oxy không đủ nuôi cơ thể, khiến các mô ngoại biên bị chuyển hóa và dẫn đến teo cơ.
Nguyên nhân liên quan đến thần kinh
Teo cơ chân do các yếu tố liên quan đến thần kinh thường khá nghiêm trọng và xảy ra đột ngột. Trong đó, phổ biến nhất là dạng rối loạn neuron vận động. Bởi lẽ, khi cắt dây thần kinh cơ, tín hiệu của neuron vận động tại điểm tiếp nối sẽ bị mất, làm phá vỡ sợi actin và myosin, khiến các sợi tơ cơ bị co lại và giảm kích thước tế bào. Tình trạng này thường bắt nguồn từ các bệnh lý như hội chứng ống cổ tay, bệnh rễ thần kinh, thần kinh biên bị chèn ép,….
Teo cơ chân phục hồi được không?
Teo cơ chân khiến cơ bắp không hoạt động sẽ gây sự hao mòn và teo dần. Tuy nhiên, khi cơ bắp bị teo thì vẫn hoàn toàn có thể phục hồi lại được nếu như người bệnh kiên trì luyện tập thể dục, vật lý trị liệu, cũng như kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, tốt cho cơ bắp.
Cách phục hồi teo cơ chân
Một tin vui là ngay cả khi cơ bắp bị teo đi, chúng vẫn có thể phục hồi trở lại nếu áp dụng những biện pháp dưới đây.
Điều chỉnh dinh dưỡng
Nếu như thiếu hụt dinh dưỡng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy cơ, thì việc thay đổi chế độ ăn hoặc bổ sung dưỡng chất thông qua phương pháp khác hoàn toàn có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh. Trong các bữa ăn hàng ngày, cần phải đảm bảo cân bằng và đầy đủ dinh dưỡng. Đồng thời, người bệnh nên tích cực bổ sung protein cho cơ thể, bởi đây là yếu tố rất cần thiết cho sự duy trì và phát triển các chức năng của cơ.
Luyện tập thể thao
Bên cạnh dinh dưỡng, các hoạt động thể chất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển khối cơ. Vì thế, người bệnh nên thay đổi thói quen nằm, ngồi nhiều cố định ở một chỗ. Đồng thời, tích cực luyện tập thể dục, thể thao hàng ngày. Trong đó, các bài tập dưới nước như bơi lội được coi là có khả năng cải thiện đáng kể trong việc trị liệu teo cơ.
Vật lý trị liệu
Các bài tập vật lý trị liệu hướng dẫn người bệnh luyện tập thể dục sao cho đúng cách. Đây là những bài tập được thiết kế riêng biệt, giúp hạn chế tối đa những chấn thương, đồng thời tạo ra hiệu quả cao nhất trong việc hồi phục cơ.
Bên cạnh đó, phương pháp chườm hay xoa bóp cũng được đánh giá cao về hiệu quả do có khả năng làm thúc đẩy tuần hoàn máu, giúp nuôi dưỡng các mô cơ tốt hơn.
Ngoài ra, một kỹ thuật vật lý trị liệu khác cũng được sử dụng trong điều trị teo cơ chân, đó là kích thích điện. Các bác sĩ sẽ gắn các điện cực vào vị trí cơ bị teo, sau đó kích thích các cơ này bằng xung điện thích hợp và làm cho chuyển động ở cơ bị kích thích. Cách làm này tuy ít nhiều đều gây khó chịu cho người bệnh, song trên thực tế chúng lại không hề gây ra các tổn thương hay đau đơn cho cơ thể. Nếu bạn cảm thấy đau, hãy nói ngay với bác sĩ thực hiện để họ điều chỉnh hoặc tìm kiếm phương pháp khác.
Siêu âm trị liệu
Siêu âm trị liệu là một phương pháp điều trị không xâm lấn, dựa trên tác dụng của sóng âm thanh để chữa trị bệnh. Các chùm tia siêu âm hội tụ cường độ cao sẽ kích thích sự co thắt ở mô cơ bị teo và hồi phục chúng. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển thêm để tăng tính hiệu quả.
Phẫu thuật
Phẫu thuật trị teo cơ chân được thực hiện khi nguyên nhân đến từ việc rách gân gây ra. Bởi lẽ, khi các bộ phận như da, gân, dây chằng gây ra sự cản trở trong hoạt động di chuyển thì việc phẫu thuật là điều cần thiết. Đây được coi là một thể biến dạng dị hình và có thể được điều trị bằng phẫu thuật.
Trên đây là tổng hợp một số thông tin cơ bản về chứng teo cơ chân và các phương pháp điều trị. Hi vọng qua bài viết, bạn đọc đã có thêm những thông tin bổ ích về sức khỏe. Cảm ơn các bạn đã đón đọc!