Đau thần kinh tọa là căn bệnh nội khoa tương đối phổ biến và thường gặp nhiều ở những người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, bản chất của căn bệnh này là gì, nguyên nhân do đâu và cách điều trị ra sao thì không phải ai cũng biết. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một số thông tin liên quan đến căn bệnh này nhé!
Đau thần kinh tọa là gì?
Đúng như tên gọi, đau thần kinh tọa là bệnh lý gây ra bởi sự chèn ép các rễ thần kinh, mà cụ thể là dây thần kinh tọa (hay còn gọi là dây thần kinh hông to). Đây là dây thần kinh dài nhất và lớn nhất cơ thể, xuất phát từ vùng thắt lưng, lan xuống từng ngón chân và chịu trách nhiệm chi phối, cảm giác, vận động và dinh dưỡng cho toàn bộ nửa dưới cơ thể.
Chính vì thế, khi bị đau thần kinh tọa, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức hoặc tê buốt dọc theo đường đi của dây thần kinh. Vị trí đau có thể bắt đầu từ thắt lưng, lan ra mặt ngoài đùi, mặt trước của cẳng chân, mắt cá chân cho đến tận đầu các ngón chân. Các cơn đau có thể biểu hiện ở một bên hoặc ở cả hai bên của cơ thể, tùy vào vị trí tổn thương nằm ở dây thần kinh bên phải hay bên trái.
Theo các nghiên cứu thống kê ở Việt Nam, đau thần kinh hông to là một trong những bệnh lý nội khoa phổ biến bậc nhất và thường gặp phải ở độ tuổi lao động, từ 30 đến 50 tuổi. Trong đó, có đến hơn một nửa số ca bệnh có nguyên nhân từ việc rễ dây thần kinh tọa bị chèn ép do thoát vị đĩa đệm hoặc hẹp ống sống.
Nguyên nhân đau thần kinh tọa
Bệnh đau thần kinh tọa có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất thường xuất phát từ hiện tượng thoát vị đĩa đệm. Đây là một cơ quan nhỏ nằm xen kẽ giữa các đốt sống, có nhiệm vụ làm giảm chấn động và độ xóc khi cơ thể vận động. Tuy nhiên, khi cơ quan này bị thoái hóa, phần dịch nhầy bên trong đĩa đệm sẽ thoát ra khỏi bao xơ, gây chèn ép lên các rễ thần kinh, gây ra hiện tượng đau thần kinh tọa.
Bên cạnh đó, bệnh đau dây thần kinh hông to còn có thể xuất phát từ hiện tượng hẹp ống sống, hoặc do bị chèn ép bởi các khối u phát triển bên trong cột sống. Những ca bệnh do nguyên nhân này thường tương đối nghiêm trọng và phức tạp. Tuy nhiên, tỷ lệ xảy ra của chúng thường ít hơn so với những trường hợp còn lại.
Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa không chỉ xuất phát từ rễ thần kinh, mà còn có thể xảy ra do những tổn thương dọc theo đường dây thần kinh hông to. Ví dụ, với những bệnh nhân bị viêm khớp, thoái hóa khớp, chấn thương hay nhiễm trùng, dây thần kinh hông to cũng có thể bị kích thích hoặc sưng tấy, gây cảm giác đau đớn và khó chịu. Hiện tượng này cũng gặp cả ở những bệnh nhân mắc hội chứng cơ hình lê, khi các khối cơ co thắt và gây áp lực lên dây thần kinh tọa.
Triệu chứng đau thần kinh tọa
Khi mắc chứng đau thần kinh tọa, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng sau:
Đau nhức tê buốt dọc theo đường đi dây thần kinh hông to
Hiện tượng đau nhức, tê buốt, yếu cơ hoặc ngứa ran ở những vùng dọc theo đường đi của dây thần kinh hông to. Cơn đau thường bắt đầu từ giữa cột sống (vùng thắt lưng), dọc xuống mông và lan xuống phía sau của chân. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, người bệnh không đau ở vùng cột sống, mà chỉ đau dọc theo chân.
Cơn đau kéo dài lan xuống đến tận bàn chân, đầu ngón chân
Tùy theo từng vị trí bị tổn thương của dây thần kinh mà các mức độ và biểu hiện của bệnh cũng sẽ thay đổi. Ví dụ, nếu tổn thương xảy ra ở rễ thần kinh L4, các cơn đau sẽ kéo dài đến vị trí đầu gối và khoeo chân. Còn nếu tổn thương xảy ra ở rễ L5, cơn đau có thể sẽ lan đến tận lòng bàn chân và tất cả các đầu ngón chân. Người bệnh có thể chỉ đau ở một bên (trái hoặc phải), hoặc đau ở cả hai bên nếu như tổn thương xảy ra ở cả 2 dây thần kinh tọa của cơ thể.
Đau dữ dội khi di chuyển, vận động
Mức độ của các cơn đau thần kinh tọa cũng rất khác nhau, từ đau nhẹ, đau nhói đến đau dữ dội. Các cơn đau trở lên trầm trọng hơn khi người bệnh di chuyển, vận động, cúi người, đứng, ngồi quá lâu hoặc khi hắt hơi, ho nhẹ.
Thay đổi dáng đi, đi tập tễnh
Đau dây thần kinh tọa còn có thể khiến bệnh nhân thay đổi dáng đi, đi tập tễnh hoặc bên cao, bên thấp. Tuy nhiên, các triệu chứng này sẽ giảm dần và khiến người bệnh thoải mái hơn nếu họ trong tư thế nằm.
Mất cảm giác, không kiểm soát được đại tiểu tiện
Trong một số trường hợp nặng hơn, khi rễ thần kinh bị tổn thương, người bệnh có thể bị mất cảm giác và không kiểm soát được việc tiểu tiện hay đại tiện.
Đau thần kinh tọa có nguy hiểm không?
Nhìn chung, khi mới khởi phát, bệnh đau thần kinh tọa sẽ không quá nguy hiểm với sức khỏe mà chỉ ảnh hưởng một chút đến đời sống sinh hoạt của người bệnh. Ví dụ như: đi lại khó khăn, đau nhức cơ thể, khó ngủ,… Trong giai đoạn này, hầu hết người bệnh đều có thể được chữa trị khỏi hoàn toàn mà không cần đến phẫu thuật hay những can thiệp ngoại khoa phức tạp.
Tuy nhiên, nếu bệnh đau thần kinh tọa có liên quan đến một số bệnh lý khác, hoặc không được chữa trị đúng cách, kịp thời thì người bệnh rất có thể sẽ gặp phải những biến chứng nguy hiểm. Triệu chứng bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây đau nhức dữ dội và khiến bạn mất khả năng kiểm soát đôi chân. Lâu dần, người bệnh sẽ bị teo cơ, di chuyển khó khăn, dẫn đến liệt một phần hoặc liệt hoàn toàn cơ vận động. Đồng thời, chức năng các cơ vòng ở đại tràng hay bàng quang cũng yếu dần, khiến họ không thể tự chủ trong việc vệ sinh cá nhân.
Đau thần kinh tọa có chữa được không?
Mặc dù bệnh đau thần kinh tọa ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, song nhìn chung, chúng lại không gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, bệnh có thể được chữa trị khỏi hoàn toàn hay không thì phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân khiến bệnh khởi phát. Nếu như bệnh xuất phát từ các bệnh lý về cột sống như thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, thoái hóa cột sống, do chèn ép của khối u vùng cột sống,… thì kết quả điều trị đau thần kinh tọa sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc điều trị các bệnh liên quan.
Ngược lại, trong đa số các trường hợp còn lại (đau thần kinh tọa do chấn thương, nhiễm trùng,…) thì hoàn toàn có thể được điều trị dứt điểm trong thời gian ngắn nếu áp dụng phương pháp phù hợp. Tốt nhất, người bệnh nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp và đưa ra lời khuyên phù hợp về liệu trình điều trị.
Cách điều trị đau thần kinh tọa
Các phương pháp điều trị đau thần kinh tọa hiện nay tương đối đa dạng, tùy vào từng từng trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra liệu trình phù hợp. Ví dụ, với những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, các biện pháp phẫu thuật hay can thiệp ngoại khoa có thể sẽ được chỉ định. Trong khi đó, vật lý trị liệu lại là cách điều trị phù hợp hơn cả trong giai đoạn hồi phục, chống bệnh tái phát.
Tuy nhiên, trên thực tế, khi bệnh mới khởi phát, đại đa số các trường hợp đau thần kinh tọa đều có cách điều trị khá đơn giản. Bệnh nhân chỉ cần điều trị bằng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, kết hợp với việc điều chỉnh lại lối sống, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý là bệnh có thể chữa khỏi dứt điểm hoàn toàn.
Điều trị bằng thuốc tây
Điều trị đau thần kinh tọa bằng thuốc tây là phương pháp đơn giản và thường được đa số người bệnh nghĩ đến đầu tiên khi gặp phải các triệu chứng. Trong đó, các loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị đau thần kinh tọa hiện nay thường bao gồm: Thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid, thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau thần kinh, thuốc kích thích tăng dẫn truyền, hồi phục thần kinh và thuốc kháng viêm corticoid. Ưu điểm của phương pháp này là tác dụng nhanh, có thể loại bỏ cảm giác đau nhức khó chịu cho người bệnh gần như lập tức. Tuy nhiên, nếu lạm dụng hoặc sử dụng chúng trong thời gian dài, người bệnh sẽ gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn.
Cụ thể, với các loại thuốc giảm đau và kháng viêm không steroid như Paracetamol, Diclofenac, Di-antalvic,… người bệnh có thể dễ dàng mua tại các hiệu thuốc với chi phí khá rẻ mà không cần yêu cầu kê đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng chúng trong thời gian ngắn vì có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, viêm loét dạ dày, đột quỵ,…
Trong khi đó, các loại thuốc giãn cơ như Myonal, Decontractyl lại được các bác sĩ kê đơn để làm giảm hiện tượng căng cứng cơ, giúp người bệnh dễ dàng di chuyển. Tuy nhiên, chúng có thể gây ra một số tác dụng phụ như hạ huyết áp, buồn nôn, nôn mửa, nhức đầu, đau bụng, nhược cơ,….
Bên cạnh đó, một số loại thuốc giảm đau thần kinh và thuốc kích thích tăng dẫn truyền thần kinh cũng được các bác sĩ chỉ định để tăng hiệu quả điều trị và thúc đẩy quá trình hồi phục các thương tổn. Tuy nhiên, cũng giống như những loại thuốc Tây khác, người bệnh vẫn phải đối mặt với các tác dụng phụ khó chịu như buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt, tăng huyết áp, giãn mạch, phù nề,…
Ngoài ra, một số loại vitamin nhóm B như B1, B6, B12 cũng có tác dụng rất tốt với việc hồi phục các tổn thương thần kinh. Mặc dù chỉ là loại viên uống bổ sung, song việc sử dụng các loại vitamin này vẫn cần sự chỉ định và tham vấn của bác sĩ, bởi chúng có thể ảnh hưởng tới tác dụng của các loại thuốc khác trong quá trình điều trị.
Điều trị bằng thuốc nam
Bên cạnh các loại thuốc Tây, các loại thuốc Nam có nguồn gốc thảo dược cũng được rất nhiều người tin tưởng sử dụng bởi sự an toàn, lành tính. Phương pháp chữa đau thần kinh tọa này tuy không đem lại hiệu quả nhanh chóng như Tây y, song nếu kiên trì sử dụng thì có thể chữa trị tận gốc, đồng thời tăng cường sức đề kháng và ổn định sức khỏe trong thời gian dài. Dưới đây là một số bài thuốc Nam chữa đau thần kinh tọa mà bạn có thể tham khảo sử dụng:
Sâm Ngọc Linh
Xuất phát từ vùng đất Tây Nguyên, sâm Ngọc Linh từ lâu đã được biết đến như một loại thảo dược đặc biệt với 20 loại saponin quý hiếm, có tác dụng như một chất kháng sinh tự nhiên, giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch. Đây cũng là một vị thuốc quý giúp chữa trị các bệnh liên quan đến xương khớp, hỗ trợ quá trình tái tạo lớp sụn mới và tăng bài tiết dịch nhầy ở các khớp của cơ thể.
Lá lốt
Không chỉ nổi tiếng là loại thảo dược giúp chữa trị viêm khớp, lá lốt còn rất hữu ích trong việc điều trị đau thần kinh tọa. Sử dụng nước lá lốt để uống hoặc kết hợp ngâm chân hàng ngày sẽ giúp khí huyết trong các kinh mạch được lưu thông. Từ đó, các triệu chứng đau nhức, tê bì ở bàn chân hay cẳng chân sẽ được cải thiện một cách đáng kể.
Rau má
Bên cạnh lá lốt, rau má cũng là loại thuốc nam rất được ưa dùng để cải thiện các cơn đau thần kinh tọa. Đây là loại thảo dược có tính mát, giúp tăng cường khả năng giải độc, trị nóng trong, giúp thanh nhiệt cơ thể. Theo kinh nghiệm dân gian, người bệnh đau thần kinh tọa khi sử dụng 1-2 bát nước cốt rau má mỗi ngày có thể giúp các triệu chứng được cải thiện một cách đáng kể.
Sữa tỏi
Sữa là thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt chứa nhiều canxi giúp xương phát triển một cách chắc khỏe. Trong khi đó, tỏi lại được coi là một loại kháng sinh tự nhiên giúp cơ thể tăng cường đề kháng và khả năng miễn dịch. Kết hợp hai loại thực phẩm này, bạn có thể nhanh chóng cải thiện các triệu chứng khó chịu như đau nhức xương khớp, tê bì chân tay,… Mặc dù mùi vị của loại sữa này không mấy dễ chịu, song hiệu quả chữa trị của chúng đối với bệnh đau thần kinh tọa lại được đánh giá tương đối cao.
Trên đây là tổng hợp một số thông tin liên quan đến bệnh đau thần kinh tọa cũng như một số phương pháp, bài thuốc điều trị phổ biến. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã có thêm những thông tin hữu ích để chăm sóc sức khỏe cho chính mình và những người xung quanh. Cảm ơn các bạn đã đón đọc!