Đau thần kinh liên sườn là gì? Bệnh có những triệu chứng nhận biết nào? Tình trạng này có nguy hiểm không và cách khắc phục ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp chi tiết trong thông tin bài viết dưới đây!
Triệu chứng đau thần kinh liên sườn
Đau thần kinh liên sườn là một hội chứng của rất nhiều bệnh lý khác nhau. Nhất là khi cột sống, xương sườn hoặc tủy sống tổn thương thì rất dễ gây ra tình trạng này.
Biểu hiện chính nhận biết bệnh là hiện tượng đau dọc theo hướng đi của dây thần kinh liên sườn. Cơn đau ngày càng tăng khi người bệnh ho, hít thở sâu, thay đổi tư thế hoặc sờ vào. Một số bệnh nhân còn mô tả kèm theo các biểu hiện khác như đau tức ngực, cơn đau có thể lan tới cạnh sống.
Tuy nhiên tùy theo nguyên nhân gây bệnh, các dấu hiệu nhận biết cũng có sự khác biệt. Triệu chứng cụ thể do từng nguyên nhân bệnh lý gây ra như sau:
- Do chấn thương cột sống: Người bệnh thấy xuất hiện cơn đau dọc khung xương sườn, cột sống bị tổn thương.
- Đau thần kinh liên sườn do thoái hóa cột sống ngực: Thường gặp ở người từ 50 trở lên với triệu chứng đau cột sống âm ỉ. Cơn đau tăng dần khi ấn vào cột sống hoặc lúc người bệnh vận động.
- Bệnh về tủy sống: U rễ thần kinh và u tủy là hai bệnh về tủy sống gây đau thần kinh liên sườn. Cơn đau tái phát nhiều ở vùng tủy mắc bệnh, có thể khu trú ở 1 bên hoặc khởi phát dọc hai bên sườn.
- Triệu chứng đau thần kinh liên sườn do ung thư cột sống: Cơn đau có mức độ dữ dội và cục bộ ở vị trí cột sống bị tổn thương. Cơn đau sẽ nhanh chóng lan rộng ra hai bên sườn, liên tục lặp lại. Ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều và ăn không ngon miệng.
- Trường hợp mắc bệnh do zona sẽ kèm theo biểu hiện phát ban đỏ, đau rát da, đau đầu, có mụn nước ở vị trí da có dây thần kinh liên sườn. Những triệu chứng này sẽ kéo dài âm ỉ nhiều ngày liên tiếp. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do nhiễm khuẩn.
>> Tìm hiểu: Đau thần kinh tọa có chữa được không? Thuốc và mẹo dân gian chữa hiệu quả
Nếu không tìm thấy nguyên nhân gây bệnh thì hội chứng này được gọi là đau dây thần kinh liên sườn nguyên phát. Thực tế, yếu tố có thể khiến bệnh bộc phát là do thời tiết lạnh hoặc người bệnh vận động quá sức.
Trong trường hợp này, cơn đau khu trú ở vùng cạnh sống, bả vai rồi lan dọc theo khung sườn về hướng dây thần kinh liên sườn. Mức độ đau do nguyên nhân thứ phát gây ra thường âm ỉ, dai dẳng liên tục. Khi người bệnh cử động, chuyển tư thế đột ngột hoặc nằm quá lâu thì cơn đau cũng tăng dần.
Đau thần kinh liên sườn có nguy hiểm không?
Đau thần kinh liên sườn là bệnh lý ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, khả năng vận động và công việc thường ngày của người bệnh. Tùy từng trường hợp cụ thể, mức độ nguy hiểm của bệnh sẽ khác nhau:
Đau thần kinh liên sườn ngắn ngày và mức độ nhẹ
Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh trong trường hợp này là do vận động mạnh, chấn thương hoặc sai tư thế. Bởi vậy bệnh sẽ không gây nguy hiểm tới sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh. Thế nhưng những cơn đau do bệnh gây ra sẽ khiến người mắc gặp phải những khó khăn nhất định trong sinh hoạt, đi lại và lao động.
Lúc này, người bệnh chỉ cần đi khám để biết chính xác nguyên nhân gây bệnh. Sau đó sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời kết hợp các phương pháp trị liệu như bấm huyệt, massage,… là những triệu chứng của bệnh sẽ thuyên giảm dần.
Đau thần kinh liên sườn nặng
Khi bệnh đã trở nặng tức bên trong cơ thể bạn đang tiềm ẩn một trong các bệnh lý nguy hiểm như: Viêm dây thần kinh, ung thư cột sống, u rễ thần kinh, đái tháo đường,….
Những căn bệnh nêu trên đều là những trường hợp nguy hiểm tới sức khỏe và đe dọa trực tiếp tính mạng của người bệnh. Nếu không phát hiện những tình trạng này thì khả năng chữa trị rất thấp.
Tóm lại, đau dây thần kinh liên sườn không thể tự khỏi và được xếp vào hội chứng nguy hiểm khi xuất hiện bởi các bệnh lý gây ra. Do đó người bệnh không nên chủ quan tới tình trạng này.
Đau dây thần kinh liên sườn uống thuốc gì?
Khi thăm khám tại các cơ sở y tế, người bệnh sẽ thường được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định sử dụng một số nhóm thuốc điều trị như:
Thuốc giảm đau Paracetamol
Paracetamol là loại thuốc hàng đầu chuyên dùng điều trị các bệnh có biểu hiện đau nhức. Trong đơn thuốc của người bị đau thần kinh liên sườn, các bác sĩ thường kê đơn Paracetamol kết hợp với Codeine để giúp làm giảm cơn đau nhanh hơn.
Tuy nhiên nếu sử dụng loại thuốc này trong thời gian dài có thể làm tổn thương gan. Do đó người bệnh nên tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng, thời gian và cách dùng thuốc để tránh phản ứng không mong muốn.
Dược liệu trong nhóm thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID)
Bên cạnh thuốc giảm đau cơ bản, người bệnh cần dùng thêm các dược liệu thuộc nhóm NSAID. Những loại thuốc điển hình thường gặp trong nhóm này bao gồm:
- Aspirin
- Diclofenac
- Ibuprofen
- Naproxen….
Tương tự các dược liệu khác, nhóm thuốc này cũng gây ra một số phản ứng phụ nhất định như ảnh hưởng tới dạ dày (gây chảy máu, viêm dạ dày,…), gia tăng nguy cơ bị hen suyễn. Bởi vậy nếu người bệnh có tiền sử mắc bệnh về dạ dày hoặc đường hô hấp thì cần báo cho bác sĩ trước khi dùng thuốc.
Thuốc giảm đau thần kinh
Nhóm thuốc cơ bản cuối cùng thường xuất hiện trong đơn kê của bác sĩ dành cho bệnh nhân là thuốc giảm đau thần kinh có tên Gabapentin. Tuy nhiên Gabapentin cần sử dụng chung với các loại dược liệu khác để kiểm soát và phòng ngừa tình trạng động kinh.
Loại thuốc này sẽ giúp giảm đau nhanh, rất thích hợp sử dụng cho người bệnh mắc zona. Bên cạnh đó, Gabapentin cũng là loại thuốc dùng điều trị các biểu hiện đau thần kinh do các nguyên nhân khác gây ra như bệnh lý thần kinh ngoại biên, đau thần kinh sinh ba,…
Trong quá trình sử dụng thuốc chữa bệnh, bạn cần lưu ý tới những vấn đề sau:
- Tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc kết hợp các dược liệu với nhau.
- Không tự ý thuốc kê đơn để chuyển sang sử dụng bài thuốc khác, bao gồm cả thực phẩm chức năng và bài thuốc dân gian khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Khi dùng thuốc chữa bệnh, người bệnh nên uống nhiều nước để thuốc phát huy tác dụng tốt hơn.
- Tránh xa nhóm thực phẩm dị ứng với thuốc theo lời khuyên của bác sĩ.
- Không nên lạm dụng thuốc giảm đau để tránh những tác dụng phụ của thuốc gây hại tới sức khỏe người bệnh.
- Nên kết hợp dùng thuốc với một số phương pháp trị liệu, massage theo chỉ dẫn của bác sĩ để nhanh chóng làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Phòng ngừa đau thần kinh liên sườn
Để ngăn ngừa tình trạng đau thần kinh liên sườn, người bệnh cần xây dựng chế độ dinh dưỡng, làm việc và sinh hoạt khoa học, cụ thể:
- Không mang vác đồ nặng, tránh làm việc quá sức.
- Với dân văn phòng, cần điều chỉnh tư thế ngồi và thường xuyên đi lại sau mỗi giờ làm việc.
- Chăm chỉ rèn luyện thể thao, nâng cao sức khỏe xương khớp và sức đề kháng của cơ thể.
- Cân bằng dinh dưỡng, nạp đầy đủ dưỡng chất trong mỗi bữa ăn.
- Tăng cường bổ sung thêm trái cây, rau xanh mỗi ngày.
Trên đây là những thông tin quan trọng xoay quanh bệnh đau thần kinh liên sườn. Hy vọng bài viết đã đem lại cho bạn những kiến thức bổ ích. Cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi bài viết của chúng tôi!