Thoát vị đĩa đệm đã trở thành nỗi ám ảnh đeo bám dai dẳng đối với bất kỳ ai không may mắc phải. Bệnh thường có xu hướng diễn biến âm thầm và khởi phát đột ngột khiến sức khỏe, tâm lý, cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng trầm trọng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn thoát vị đia đệm có chữa được không, nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị thoát vị đĩa đệm thông qua bài viết dưới đây.
Thoát vị đĩa đệm là gì?
Cột sống là chuỗi các đốt xương được bao bọc bởi hệ thống dây chằng và đĩa đệm có nhiệm vụ nâng đỡ cơ thể, đảm bảo mọi cử động của con người diễn ra linh hoạt. Trong đó, đĩa đệm có tác dụng tạo sự mềm dẻo cho cột sống và giảm thiểu sự va chạm giữa các đốt xương. Khi đĩa đệm bị tổn thương tất yếu ảnh hưởng đến toàn bộ cấu trúc của cột sống, khiến chất lượng cuộc sống sinh hoạt và làm việc của người bệnh suy giảm trầm trọng.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng các rễ dây thần kinh bị chèn ép bởi phần nhân nhầy đĩa đệm thoát ra, lệch khỏi vị trí ban đầu gây ra đau nhức, tê bì. Đây là bệnh lý phổ biến thường xảy ra ở nhóm người cao tuổi hoặc đang trong độ tuổi lao động.
Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm
Việc tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới thoát vị đĩa đệm là điều bắt buộc và đặc biệt cần thiết đối với người bệnh trong toàn bộ quá trình điều trị. Theo chuyên gia sức khỏe, thoát vị đĩa đệm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu là do các yếu tố dưới đây:
Do tuổi tác
Tuổi càng cao hệ thống cơ xương khớp càng lỏng lẻo và yếu dần. Khi đến giai đoạn này, vòng sụn bao bọc bên ngoài đĩa đệm bị xơ hoá khiến nhân nhầy khô cứng và giảm dần tính đàn hồi. Vì vậy những tác nhân cơ học bên ngoài rất dễ gây tổn thương cho đĩa đệm. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, phần lớn các bệnh lý xương khớp mãn tính đều có mối liên hệ chặt chẽ với yếu tố tuổi tác. Do đó, người cao tuổi thường gặp rắc rối với vấn đề đau nhức xương khớp âm ỉ kéo dài, nhất là khi giao mùa.
Do tính chất công việc
Bên cạnh nhóm đối tượng cao tuổi thì những người thường phải đứng hoặc ngồi lâu cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh lý về xương khớp, bao gồm thoát vị đĩa đệm. Bởi cột sống phải chống đỡ và gánh vác toàn bộ sức nặng của cơ thể dồn xuống trong một thời gian gây đau nhức.
Do thói quen sinh hoạt
Một số thói quen sinh hoạt như: mang vác nặng, tập luyện thể thao quá sức, nằm-ngồi-ngủ sai tư thế… đã vô tình trở thành thủ phạm gây nên những tổn thương cho vùng cột sống.
Do chấn thương lao động, tai nạn
Đĩa đệm là một phần cấu tạo nên cột sống nhằm đảm bảo mọi hoạt động của con người diễn ra suôn sẻ. Cũng chính vì lý do này nên đĩa đệm rất dễ bị tổn thương nếu người bệnh gặp chấn thương trong quá trình lao động hoặc do tai nạn.
Do mắc bệnh lý xương khớp bẩm sinh
Người mắc các bệnh lý xương khớp bẩm sinh như gù vẹo, thoái hoá cột sống thì có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm cao hơn so với người bình thường.
Lý do khác
Ngoài ra, thoát vị đĩa đệm cũng có thể xuất phát từ một sống nguyên nhân khác như: thừa cân, béo phì, lười vận động, thiếu hụt chất dinh dưỡng, lạm dụng chất kích thích, thuốc lá, rượu bia,…
Triệu chứng thoát vị đĩa đệm
Khi bị thoát vị đĩa đệm, cơ thể sẽ xuất hiện triệu chứng khác nhau tùy vào mức độ tổn thương và thể trạng của mỗi người. Thông thường ở giai đoạn khởi phát, triệu chứng của bệnh thường không rõ rệt và thường trực. Chỉ khi nào cơn đau nhức nặng hơn người bệnh mới đi khám và phát hiện ra bệnh. Điều này là trở ngại khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn và giảm tỉ lệ hồi phục hoàn toàn. Vậy làm thế nào để biết được bản thân đang bị thoát vị đĩa đệm hay không, các bạn có thể căn cứ theo triệu chứng sau:
- Vùng đốt sống thắt lưng hoặc đốt sống cổ xuất hiện cơn đau dai dẳng nhiều ngày. Đặc biệt khi người bệnh vận động, di chuyển, thay đổi tư thế thì mức độ đau trở nên dữ dội hơn. Tình trạng này chỉ được xoa dịu khi người bệnh nằm nghỉ ngơi.
- Ngoài đau nhức, vùng đĩa đệm bị tổn thương còn kèm theo tình trạng tê bì, ê ẩm, sưng tấy, nóng ran. Buổi sáng sau khi ngủ dậy là khoảng thời gian người bệnh cảm nhận rõ triệu chứng này nhất, thậm chí có trường hợp không thể đi lại bình thường được.
- Cơn đau có xu hướng lan rộng ra khắp các bộ phận liên có rễ dây thần kinh đi qua, bao gồm: hông, đùi, chân, tay,…
Tóm lại, triệu chứng điển hình nhất của thoát vị đĩa đệm là xuất hiện cơn đau nhức đột ngột kéo dài từ vài ngày đến vài tuần rồi tự khỏi. Tuy nhiên, tình trạng sẽ rất nhanh chóng quay trở lại và mức độ trầm trọng hơn. Nếu không có biện pháp kiểm soát đúng đắn thì chỉ sau một thời gian, bệnh lý sẽ chuyển dần thành mãn tính, bắt buộc cần có sự can thiệp của phác đồ điều trị chuyên sâu.
Thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không?
Theo thống kê của Bộ Y Tế, có đến ⅓ dân số nước ta đang mắc bệnh lý thoát vị đĩa đệm nên câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là bệnh này có nguy hiểm không. Theo chuyên gia xương khớp lý giải, thoát vị đĩa đệm không đe dọa tới tính mạng nhưng tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm mà người bệnh tuyệt đối không được chủ quan, coi thường. Cụ thể là:
- Làm tổn thương dây thần kinh: Thoát vị đĩa đệm là phần nhân nhầy thoát ra ngoài chèn ép lên rễ thần kinh, ảnh hưởng trực tiếp tới các bộ phận mà nó đi qua. Trong một thời gian dài, tình trạng đau nhức không chỉ dừng lại âm ỉ mà sẽ dữ dội hơn rất nhiều, thậm chỉ chỉ ho nhẹ hay hắt xì hơi cũng khiến người bệnh khó chịu.
- Teo cơ, bại liệt, tàn phế suốt đời: Biến chứng nguy hiểm nhất mà người bị thoát vị đĩa đệm có thể phải đối mặt đó là teo cơ, bại liệt, tàn phế suốt đời. Bởi quá trình lưu thông máu bị thoát vị đĩa đệm cản trở khiến cơ xương khớp thiếu hụt canxi trầm trọng và mất dần khả năng vận động. Người bệnh chỉ có thể nằm một chỗ, không thể đi lại và chấp nhận chịu đau đớn, hành hạ ngày qua ngày.
- Biến chứng khác: Thoát vị đĩa đệm kéo còn còn gây ra một số biến chứng nguy hiểm khác như hội chứng chùm đuôi ngựa, thiểu năng tuần hoàn não, rối loạn đại tiểu tiện,…
Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm
Như đã phân tích ở trên, thoát vị đĩa đệm rất khó phát hiện thông qua những triệu chứng ở giai đoạn đầu khởi phát. Do đó để xác định chính xác mức độ tổn thương, người bệnh sẽ được yêu cầu thực hiện một số điều sau:
- Chẩn đoán lâm sàng: Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán sàng thông qua việc khai thác tiền sử dịch tễ. Căn cứ vào triệu chứng cũng như kinh nghiệm chuyên môn, bác sĩ sẽ phán đoán bệnh lý mà người đến khám đang gặp phải và yêu cầu họ làm các xét nghiệm y khoa liên quan.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu thường được chỉ định khi bác sĩ nghi ngờ người bị thoát vị đĩa đệm do lao cột sống hoặc mắc bệnh tự miễn, ác tính. Kết quả của công thức máu sẽ cho thấy chỉ số về lượng bạch cầu, kháng thể lạ,…
- Chụp X-quang: Đối với người bị thoát vị đĩa đệm, chụp xquang không có nhiều ý nghĩa nhưng bằng kỹ thuật này, bác sĩ có thể xác định một số bệnh lý liên quan khác như gai cột sống, thoái hoá cột sống, viêm cột sống dính khớp,…
- MRI – chụp cộng hưởng từ: Đây là kỹ thuật cần thiết nhất và có giá trị đặc biệt quan trọng trong việc xác định mức độ và vị trí tổn thương của đĩa đệm. Ngoài ra, thông qua kỹ thuật này, bác sĩ có thêm cơ sở để đánh giá xem các cơ xung quanh đĩa đệm (rễ thần kinh, dây chằng, mô mềm) liệu có bị ảnh hưởng và gặp vấn đề gì không.
- CT – chụp cắt lớp vi tính: Tuy hình ảnh chụp cắt lớp vi tính bị hạn chế hơn so với MRI nhưng trong một số trường hợp vẫn áp dụng thay thế. Bởi chi phí của chụp MRI thường khá cao.
- Chụp bao rễ cản quang: Trong trường hợp nghi ngờ người bệnh bị thoát vị đĩa đệm do hẹp cột sống thì chụp bao rễ cản quang là kỹ thuật cần thiết nhằm giúp bác sĩ xác định không gian bên trong cột sống.
- Điện cơ đồ: Là kỹ thuật chẩn đoán đắc lực giúp bác sĩ xác định mức độ chèn ép của rễ thần kinh và hoạt động của cơ bắp.
Thoát vị đĩa đệm có chữa khỏi được không?
Thoát vị đĩa đệm ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ, tâm lý, chất lượng cuộc sống và làm việc của người bệnh. Vậy bệnh này có chữa khỏi được không luôn là mối quan tâm hàng đầu của phần lớn bệnh nhân. Hiện nay các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm không thể “xử lý” tận gốc nguyên nhân gây ra bệnh mà chỉ có tác dụng cải thiện và kiểm soát diễn biến của bệnh.
Trên thực tế, nhiều người bị thoát vị đĩa đệm nặng đã phải lựa chọn “sống chung với lũ” nhưng ngược lại cũng có không ít trường hợp vẫn có thể phục hồi đến 80-90% so với ban đầu. Như vậy, quá trình điều trị có hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: tình trạng sức khoẻ, phương pháp điều trị, ý thức, sự kiên trì của người bệnh,…
Điều trị thoát vị đĩa đệm
Hiện nay điều trị thoát vị đĩa đệm bao gồm rất nhiều phương pháp đa dạng như: sử dụng thuốc Tây, vật lý trị liệu, phẫu thuật,… Mục đích của những phương pháp này là cải thiện triệu chứng và phòng ngừa biến chứng do bệnh gây ra. Tùy vào tình trạng sức khoẻ của mỗi người mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cho phù hợp. Chi tiết cụ thể từng phương pháp là:
Phương pháp Tây Y
Đây là cách điều trị bệnh phổ biến, tiện lợi được nhiều người ưu tiên lựa chọn nhất. Đối với người bị thoát vị đĩa đệm, bác sĩ thường chỉ định sử dụng một số loại thuốc là: Thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, thuốc chống thoái hoá, thuốc giảm đau thần kinh. Trong trường hợp đau nặng và uống thuốc giảm đau không có tác dụng, bác sĩ có thể chỉ định tiêm corticoid. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ sử dụng khi cần thiết vì tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ.
Phương pháp Đông Y
Chữa bệnh bằng các bài thuốc có nguồn gốc từ thảo dược thiên nhiên đã được lưu truyền qua hàng nghìn đời nay. Tuy không đem lại hiệu quả tức thời nhưng phương pháp Đông y khá an toàn, lành tính và tiết kiệm. Người bệnh có thể dễ dàng tìm kiếm thảo dược thiên nhiên và dùng nó làm nguyên liệu để chế biến thành bài thuốc tại nhà. Ngoài ra, điều trị thoát vị đĩa đệm bằng xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu,… cũng ngày càng hoàn thiện về mặt kỹ thuật và lấy được lòng tin của nhiều người bệnh.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu thường kết hợp đồng thời với phương pháp giảm đau bằng thuốc Tây y nhằm phục hồi chức năng vận động, tăng hiệu quả điều trị và hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng. Vật lý trị liệu dành cho người thoát vị đĩa đệm bao gồm: sử dụng đai lưng – nẹp cổ, cấy chỉ, bài tập trị liệu, massage trị liệu, cấy chỉ,…
Phẫu thuật
Nếu tất cả các phương pháp kể trên không đem lại hiệu quả thì phẫu thuật sẽ là lựa chọn cuối cùng. Tuy nhiên phẫu thuật mất khá nhiều thời gian, chi phí tốn kém và tiềm ẩn rủi ro nên hình thức điều trị này chỉ áp dụng trong trường hợp cần thiết. Một số phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm phổ biến là: lấy nhân đĩa đệm di trú, thay đĩa đệm nhân tạo, cắt gai xương và chỉnh hình cột sống.
Cách phòng ngừa thoát vị đĩa đệm
Trước biến chứng khôn lường do thoát vị đĩa đệm gây ra, chuyên gia y khoa khuyến cáo người dân nên lưu ý thực hiện theo một số điều sau nhằm bảo vệ tốt nhất cho sức khoẻ và phòng tránh nguy cơ tái phát.
- Thay đổi hoàn toàn thói quen sinh hoạt, không mang vác nặng và thận trọng trong quá trình lao động, sinh hoạt, chơi thể thao.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi và dinh dưỡng cần thiết tốt cho xương khớp như: rau xanh, hoa quả tươi, omega-3, trứng, sữa, các loại cá,…
- Tăng cường sự linh hoạt, dẻo dai cho xương khớp bằng cách dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục thể thao. Một số bộ môn phù hợp cho người bị thoát vị đĩa đệm là: bơi lội, đi bộ, yoga,…
- Hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia, chất kích thích, đồ ăn nhanh, cay nóng,…
- Sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh bị căng thẳng quá độ.
- Nếu cơ thể xuất hiện triệu chứng bất thường nào cần đến cơ sở y tế để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị và phòng ngừa thoát vị đĩa đệm. Đây là bệnh lý xương khớp diễn biến phức tạp, có nguy cơ tái phát cao nên người bệnh cần kiên nhẫn và tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Chúc bạn sớm hồi phục!