Hội chứng đuôi ngựa là một hội chứng rối loạn có thể hình thành do bệnh thoát vị đĩa đệm thắt lưng và những vấn đề liên quan đến dây thần kinh, cột sống. Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh. Bài viết hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu về những nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hội chứng này nhé.
Hội chứng đuôi ngựa là gì?
Hội chứng đuôi ngựa (conus medullaris) là một rối loạn rất hiếm khi xảy ra, thường là vấn đề cần phẫu thuật khẩn cấp. Nó hình thành do một sự chèn ép vào rễ dây thần kinh cột sống. Người bệnh cần điều trị sớm để ngăn chặn những tổn thương lâu dài dẫn đến mất khả năng kiểm soát tiểu tiện, thậm chí tê liệt chân vĩnh viễn.
Sở dĩ có tên gọi là hội chứng đuôi ngựa vì nó gây ảnh hưởng đến một bó rễ thần kinh gọi là thần kinh đuôi ngựa. Các dây thần kinh này nằm ở cuối tủy sống của cột sống thắt lưng, chúng có nhiệm vụ gửi và nhận thông tin đến và đi từ chân, bàn chân và những cơ quan vùng chậu.
Hội chứng này rất phức tạp. Nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời, bệnh gây ra tình trạng rối loạn dinh dưỡng, rối loạn cơ tròn bàng quan, rối loạn vận động ở một hoặc cả hai chân và ở vùng sinh dục hậu môn.
Những dấu hiệu triệu chứng của hội chứng này thường xuất hiện bất ngờ, đột ngột ở các mức độ khác nhau. Chẳng hạn như đau thắt lưng hông, rối loạn cảm giác, đau chân, rối loạn vận động,…
Phân loại hội chứng đuôi ngựa
Hội chứng này được chia thành:
- Hội chứng đuôi ngựa trên (hội chứng đuôi ngựa cao, hội chứng đuôi ngựa toàn bộ): Tổn thương xảy ra từ vị trí cột sống L1 – S5. Triệu chứng: Hai chân bị liệt mềm, bị rối loạn cơ vòng kiểu ngoại vi, xảy ra tình trạng rối loạn cảm giác ở hai chân và mông
- Hội chứng đuôi ngựa giữa: Tổn thương xảy ra ở vị trí cột sống L3 – S5. Biểu hiện cẳng chân không duỗi, gập được, bàn chân, ngón chân bị liệt toàn bộ, rối loạn cơ vòng kiểu ngoại vi, xảy ra tình trạng rối loạn cảm giác ở toàn bộ bàn chân, cẳng chân, sau đùi và mông
- Hội chứng đuôi ngựa dưới (hội chứng đuôi ngựa thấp): Tổn thương xảy ra ở vị trí cốt sống S3 – S5. Dấu hiệu nhận biết vùng yên ngựa bị rối loạn cảm giác kèm theo là triệu chứng đau, di cảm, cơ vòng bị rối loạn kiểu ngoại vi.
Nguyên nhân hội chứng đuôi ngựa
Nguyên nhân gây hội chứng đuôi ngựa bao gồm những nguyên nhân sau:
- Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Thoát vị đĩa đệm là một nguyên nhân chính của hội chứng đuôi ngựa. Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi lao động (35 – 55 tuổi), tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn so với nữ giới. Bệnh thường diễn ra đột ngột, đôi khi không đau, có lúc lại kèm với đau thần kinh tọa dữ dội. Những triệu chứng thường xuất hiện ở một bên (một nửa hội chứng đuôi ngựa).
- Hẹp ống sống: Khoảng 15% những trường hợp đau rễ thắt lưng hông (hội chứng đuôi ngựa) có liên quan đến hẹp ống sống. Bì thường, kích thước của ống sống thắt lưng khoảng 13 – 15mm, nếu kích thước nhỏ hơn 13mm là hẹp ống sống. Người bệnh thường cảm thấy dị cảm hoặc đau hai chân (đi khập khiễng cách hồi) khi đi bộ khoảng vài trăm mét hay ở tư thế đứng lâu hoặc rối loạn cơ tròn bàng quang.
- U dây thần kinh vùng đuôi ngựa: Đây là một nguyên nhân xảy ra trong màng cứng phổ biến của hội chứng đuôi ngựa. Gần như tất cả những trường hợp u dây thần kinh vùng đuôi ngựa đều cải thiện tốt khi phẫu thuật cắt bỏ sớm khối u.
- U ống nội tủy vùng đuôi ngựa: Là loại u phổ biến, được hình thành từ vùng tận cùng của tủy sống và tổn thương sẽ tăng dần lên, cuối cùng sẽ chiếm hết túi cùng vùng thắt lưng dẫn đến việc phẫu thuật gặp khó khăn.
Triệu chứng hội chứng đuôi ngựa
Hội chứng này có triệu chứng tiến triển chậm và thay đổi về cường độ theo thời gian. Biểu hiện qua qua một dải biến thiên những triệu chứng với độ nặng phụ thuộc vào số lượng các rễ thần kinh đang bị chèn ép và mức độ chèn ép. Ngoài thoát vị đĩa đệm, những bệnh có triệu chứng giống hội chứng đuôi ngựa bao gồm: Hội chứng nón tủy (medullaris conus), kích thích hoặc chèn ép các dây thần kinh, bệnh thần kinh ngoại biên, chèn ép tủy.
Người bệnh bị đau lưng nên chú ý với những triệu chứng sau đây:
- Đau dữ dội thắt lưng
- Yếu cơ, mất cảm giác, hoặc đau một, hoặc thường gặp hơn là cả hai chân
- Mất cảm giác vùng cơ thể ngồi trên yên ngựa
- Rối loạn chức năng bàng quang mới xuất hiện
- Đi tiểu không tự chủ mới xuất hiện
- Rối loạn cảm giác trong bàng quang hoặc trực tràng
- Rối loạn chức năng tình dục mới xuất hiện
- Mất phản xạ ở chân
Những bệnh sử có liên quan gần đây:
- Chấn thương lưng
- Phẫu thuật cột sống thắt lưng
- Tiền sử ung thư
- Nhiễm trùng nặng
Chẩn đoán hội chứng đuôi ngựa
Dưới đây là các điều cần thiết để xác định hội chứng đuôi ngựa, bao gồm:
- Dựa vào triệu chứng của người bệnh, giải đáp những thắc mắc về sức khỏe, các triệu chứng.
- Khám lâm sàng để đánh giá phản xạ, sự cân bằng, sức mạnh, cảm giác, khả năng chuyển động và phối hợp.
- Chụp MRI (cộng hưởng từ): Xét nghiệm hình ảnh để tạo ra hình ảnh ba chiều cấu trúc cơ thể nhờ sử dụng công nghệ máy tính và từ trường. MRI sẽ cho ra hình ảnh của rễ thần kinh, tủy sống và các khu vực xung quanh.
- Myelogram: Chụp X-quang ống sống có thể cho thấy các dây thần kinh trong ống sống và tủy sống bị đẩy lệch do nhân đệm thoát vị, gai xương, khối u,…
- Xét nghiệm máu cũng có thể được yêu cầu.
Điều trị hội chứng đuôi ngựa
Nếu không may bị mắc hội chứng đuôi ngựa, bạn cần phải điều trị kịp thời để hạn chế áp lực lên dây thần kinh. Phẫu thuật cần được thực hiện càng sớm càng tốt để ngăn chặn những tổn thương vĩnh viễn như: Tê liệt hai chân, mất chức năng tình dục, mất kiểm soát bàng quang và ruột hoặc các vấn đề khác.
Điều trị tốt nhất trong vòng 48 giờ kể từ khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên hội chứng, cũng có thể phải sử dụng liều cao corticosteroid để giảm phù nề. Nếu được chẩn đoán bị nhiễm trùng thì có thể cần sử dụng thuốc kháng sinh. Nếu nguyên nhân do một khối u thì có thể cần xạ trị hoặc hóa trị sau khi phẫu thuật.
Tuy được điều trị, người bệnh có thể vẫn không hồi phục được toàn bộ chức năng. Khả năng hồi phục sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương. Nếu phẫu thuật thành công, việc phục hồi chức năng ruột và bàng quang có thể kéo dài trong vài năm.
Phục hồi chức năng hội chứng đuôi ngựa
Nguyên tắc trong phục hồi chức năng hội chứng đuôi ngựa là phòng ngừa các thương tật thứ cấp sau khi mắc hội chứng và sau khi thực hiện phẫu thuật thì phục hồi chức năng vận động, bàng quang, đường ruột.
- Phục hồi chức năng vận động: Các bài tập vận động cải thiện lực cơ, tăng cường khả năng vận động cho người bệnh. Đồng thời, huấn luyện việc di chuyển, nẹp cẳng bàn chân để hỗ trợ dáng đi
- Phục hồi chức năng của bàng quang dựa vào kết quả đo niệu động học. Thực hiện các bài tập tác động cơ đáy chậu và cơ ở thành bụng, thông tiểu
- Phục hồi chức năng của đường ruột: Kiểm soát đại tiện thì cần phải có chế độ ăn uống, luyện tập cùng với hoạt động điều tiết phải điều độ. Đó là tập cho ruột hoạt động ở một thời điểm nhất định trong ngày hoặc có thể là cách ngày, ăn những loại đồ ăn phù hợp….
- Phục hồi chức năng kết hợp điều trị khác: Sử dụng thuốc giảm đau, nhuận tràng, tâm lý trị liệu, phục hồi chức năng tình dục…
Thời gian hồi phục hội chứng chùm đuôi ngựa
- Sau khi có những dấu hiệu của hội chứng đuôi ngựa, người bệnh cần thực hiện phẫu thuật ngay trong vòng 48 giờ. Như vậy sẽ cải thiện được tương đối tình trạng rối loạn hoặc mất cảm giác, khả năng vận động của 2 chi dưới, chức năng của trực tràng và bàng quang.
- Còn nếu sau 48 giờ mới thực hiện phẫu thuật thì khả năng phục hồi của người bệnh cũng cao hơn so với trường hợp không thực hiện phẫu thuật.
Phòng ngừa hội chứng đuôi ngựa
Phẫu thuật có thể không phải trường hợp nào cũng đem lại thành công như mong đợi nên người bệnh cần phải học cách thích ứng dần với những thay đổi của hoạt động trong cơ thể. Do đó, những hỗ trợ về thể chất và tinh thần là điều cần thiết.
Cố gắng nhận được nhiều sự chăm sóc giúp đỡ của gia đình. Tùy thuộc vào những hạn chế của mình mà có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ: Bác sĩ điều trị, thực hiện vật lý trị liệu…
Có thể bạn muốn biết:
- Phồng đĩa đệm là gì? Nguyên nhân, cách chữa phình đĩa đệm
- Thoát vị đĩa đệm nên ăn gì?
Những thông tin về hội chứng chùm đuôi ngựa trên đây mong rằng giúp mỗi người hiểu hơn về hội chứng này. Từ đó khi có những triệu chứng nghi ngờ bị hội chứng chùm đuôi ngựa đến gặp bác sĩ thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời.