Giải phẫu khớp gối giúp phân tích cụ thể từng thành phần cấu tạo cũng như chức năng của mỗi bộ phận nằm bên trong ổ khớp đầu gối. Thông qua giải phẫu, các nhà nghiên cứu, bác sĩ, chuyên gia sẽ có cái nhìn cụ thể và chính xác nhất về khu vực này, tạo điều kiện trong việc khám chữa các bệnh lý liên quan. Bạn đọc muốn tìm hiểu thêm về chủ đề thú vị này đừng bỏ qua bài viết dưới đây.
Giải phẫu khớp gối
Khớp gối là một khớp hoạt dịch (tên tiếng Anh: Synovial joint) nối giữa xương đùi và xương ống chân. Theo các nhà khoa học, ở đầu gối có hai khớp xương chính, một là khớp nối giữa xương chày và xương đùi, một là khớp nối giữa xương bánh chè với xương đùi. Hai khớp này kết hợp với nhau tại thành một khớp bản lề có khả năng co duỗi linh hoạt, tạo điều kiện cho con người có thể bước đi cũng như thực hiện các hoạt động khác liên quan đến chân.
Giải phẫu học khớp gối cho phép con người mô tả chi tiết và cụ thể hơn về cấu tạo cũng như chức năng của khớp gối. Điều này giúp việc chẩn đoán tình trạng tổn thương xảy ra ở khớp gối trở nên rõ ràng, chính xác hơn và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình điều trị, phục hồi chức năng sau phẫu thuật,… Các tài liệu liên quan đến giải phẫu là thông tin quan trọng và có đóng góp rất lớn đối với y học hiện đại.
Theo giải phẫu học, khớp đầu gối của con người có cấu trúc như sau:
Xương đầu gối
Có bốn xương chính tạo thành khớp gối, đó là:
- Xương đùi: Đây là xương có chiều dài lớn nhất trên cơ thể. Phần núm tròn ở cuối ống xương, phần nối với khớp gối được gọi là lồi cầu (tên tiếng Anh: Condyle) và được bao phủ bởi sụn trong mờ (tiếng Anh: Hyaline cartilage).
- Xương chày: Xương chày còn được gọi là xương ống chân, chạy từ đầu gối đến mắt cá. Phần đỉnh của xương chày được bao bọc bởi sụn khớp (tiếng Anh: Articular cartilage).
- Xương bánh chè: Xương bánh chè là một xương tháp có khả năng di chuyển mỗi khi đầu gối uốn cong. Chức năng chính của xương bánh chè là giúp tăng lực của cơ tứ đầu mỗi khi con người co hoặc duỗi chân. Bên cạnh đó, nó cũng giúp bản vệ khớp gối khỏi các chấn thương trong quá trình vận động thể chất.
- Xương mác: Xương mác là một đốt xương mỏng và dài chạy dọc theo mặt bên của xương ống chân, từ đầu gối cho đến mắt cá. Chức năng của xương mác là giảm trọng lượng tác động đến xương chày trong khi con người vận động và kết nối dây chằng, cơ bắp của phần ống chân.
Sụn đầu gối
Có nhiều loại sụn khác nhau trên cơ thể con người và mỗi loại lại đảm nhận một nhiệm vụ riêng biệt. Đối với khớp đầu gối, phần sụn khớp gồm có hai loại chính sau đây:
- Sụn chêm: Sụn chêm được hình thành từ các xơ sụn, có hình dạng giống như lưỡi liềm nằm ở mặt trong của đầu gối. Sụn chêm giúp giảm xóc và tăng sự ổn định cho khớp gối, đảm bảo việc hoạt động khớp gối diễn ra thuận lợi.
- Sụn trong mờ: Sụn trong mờ có tính chất dẻo và trơn, thậm chí nó còn được bôi trơn bởi các chất nhờn từ bao hoạt dịch. Sụn trong mờ giúp hai khớp xương tránh được va chạm trong quá trình di chuyển, giúp chuyển động đầu gối nhịp nhàng và linh hoạt hơn. Loại sụn này không có nguồn máu nuôi dưỡng và có khả năng tự phục hồi kèm, vì vậy mà khi nó bị mòn đi, hoạt động của con người bị ảnh hưởng không ít.
Bao hoạt dịch
Bên trong khớp đầu gối có đến 13 bao hoạt dịch với kích thước khác nhau. Các bao hoạt dịch này chứa đầy chất lỏng, giúp giảm ma sát giữ xương, gân cơ và dây chằng trong quá trình vận động. Chúng cũng tiết ra các chất dịch nhờn để bôi trơn ở khớp, giúp hoạt động co duỗi chân diễn ra thuận lợi hơn
Bên cạnh các bộ phận cấu tạo chính nói trên, còn có một số bộ phận khác của đầu gối có thể gây ảnh hưởng, tác động đến khớp gối, đó là: Dây chằng, cơ bắp, gân, dây chằng cánh, động mạch và tĩnh mạch đầu gối.
Các bệnh lý liên quan đến khớp gối
Vì đầu gối là phần chịu nhiều áp lực trong khi con người hoạt động nên nó rất dễ bị tổn thương. Ngoài các vấn đề liên quan đến thoái hóa, mòn, rách khớp gối, chấn thương thể thao cũng là nguyên nhân chính gây ra các tổn thương liên quan đến khớp gối.
Các bệnh lý liên quan đến đầu gối thường gặp nhất là: Viêm xương khớp, thoái hóa khớp, viêm khớp nhiễm trùng, gout, viêm khớp dạng thấp,…
Trong những trường hợp này, người bệnh rất dễ gặp phải các triệu chứng như:
- Sưng tấy: Đây có thể xem là triệu chứng thường thấy nhất ở đầu gối. Sưng tấy là kết quả của việc tích tụ chất lỏng hoạt dịch bên trong ổ khớp do viêm nhiễm hoặc tụ máu bầm sau khi đầu gối bị va đập mạnh.
- Không thể co duỗi chân: Nếu sụn chêm ở khớp gối bị rách, hiện tượng không thể co duỗi chân có thể xảy ra. Tình trạng này gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng vận động, vì vậy người bệnh cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Đau nhức, mất kiểm soát đầu gối: Các bệnh lý xương khớp thường gây ra cảm giác đau nhức khó chịu ở khớp gối hoặc mất kiểm soát khi vận động. Điều này khiến người bệnh khó giữ được cân bằng, thậm chí là bị ngã nếu có di chuyển.
Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn đọc những kiến thức mới liên quan đến giải phẫu khớp gối. Đầu gối và khớp gối là những khu vực rất dễ bị tổn thương, đặc biệt là trong quá trình tham gia hoạt động thể thao. Khi gặp phải các triệu chứng như đau nhức, sưng tấy,… người bệnh nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời.