Đau xương cụt là cơn đau xuất hiện ở đoạn xương cuối cùng của cột sống. Đau xương cụt cho thấy sức khỏe của bạn đang gặp vấn đề, có thể là dấu hiệu của bệnh về cột sống, cũng có thể là do các bệnh phụ khoa gây ra. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời bạn đọc theo dõi nội dung chia sẻ dưới đây.
Xương cụt nằm ở đâu?
Xương cụt là đốt xương có cấu trúc hình tam giác, được tạo thành từ sự hợp nhất của 3 – 5 xương đốt sống cuối cùng trên cột sống. Đoạn xương này nằm ở vị trí cuối cùng của cột sống từ trên xuống. Nó có thể được kết hợp cùng với cột sống hoặc cũng có thể tách biệt.
Trong các đốt sống trên cơ thể người, xương cụt là đoạn đốt sống bán động. Tức là nó ít khi di động và không có sự linh hoạt, dẻo dai như các xương khớp khác.
Mặc dù không chi phối quá nhiều hoạt động cần thiết của cơ thể người. Nhưng đoạn xương này là nơi liên kết dây chằng, bó gân và khối cơ và có nhiệm vụ nâng đỡ, hỗ trợ và ổn định tư thế ngồi của mỗi người. Vì thế khi bị đau xương cụt, nhiều hoạt động của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt.
Đau xương cụt có thể gặp phải do nhiều nguyên nhân. Thông thường là do bị chấn thương hoặc gãy xương. Tuy nhiên ở một số trường hợp, đau xương cụt còn là dấu hiệu chung của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và kiểm soát sớm có thể phải phẫu thuật loại bỏ hoặc thay thế bằng xương cụt nhân tạo.
Đau xương cụt là bệnh gì?
Theo chia sẻ của các bác sĩ hệ Cơ xương khớp, đau xương cụt thường là triệu chứng của một số các bệnh lý dưới đây:
Bệnh viêm xương cụt
Nếu bạn bị đau xương cụt mà đã được xác định rõ là không phải do chấn thương bên ngoài thì rất có thể là do viêm xương cụt. Đây là tình trạng nhiễm trùng gây ra phản ứng viêm, đau nhức ngay tại xương cụt.
Khi mắc phải căn bệnh này, bên cạnh triệu chứng đau xương cụt, bạn còn có thể gặp phải một số biểu hiện như: Khớp xương sưng tấy, sờ vào có cảm giác nóng. Những trường hợp nghiêm trọng có thể tiết dịch mủ và có dấu hiệu bội nhiễm.
Các bệnh về cột sống
Bệnh về cột sống được cho là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến tình trạng đau xương cụt. Các bệnh phổ biến là viêm cột sống, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống lưng, gai cột sống,….Tổn thương về cột sống có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, nhất là ở nhóm người trung niên, người già, người thường xuyên phải lao động nặng nhọc.
Tình trạng viêm, sưng, thoái hóa cột sống sẽ chèn ép lên tủy sống, dây thần kinh, dây chằng, mô mềm xung quanh vùng xương cụt. Vì thế người bệnh sẽ thường xuyên gặp phải triệu chứng đau xương cụt, đau nhức xương khớp, khó cử động khớp, chân tay tê bì,… Bệnh kéo dài sẽ cản trở sự lưu thông khí huyết đi nuôi tế bào, từ đó dẫn đến biến chứng teo cơ và bại liệt.
Bệnh khối u ở phụ nữ
Khối u gây đau xương cụt có thể là khối u lành tính, cũng có thể là khối u ác tính. Sự xuất hiện của khối u ở phụ nữ thường là do bệnh u nang tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng,…
Ở giai đoạn đầu, các bệnh này chưa có dấu hiệu rõ rệt nên ít khi được phát hiện điều trị sớm. Đến khi các khối u phát triển với kích thước lớn sẽ chèn ép lên các dây thần kinh xung quanh xương cụt. Từ đó gây ra triệu chứng đau nhức vùng xương cụt, vùng chậu, vùng lưng dưới. Ngoài ra sẽ có các triệu chứng đi kèm như táo bón, rối loạn tiểu tiện, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt,…
Khối u ở cơ quan sinh sản nữ giới có thể gây ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh nở về sau của chị em. Nếu bạn gặp phải triệu chứng này nên chủ động thăm khám bệnh phụ khoa càng sớm càng tốt.
Bệnh viêm nhiễm phụ khoa
Bệnh viêm nhiễm phụ khoa gây đau xương cụt thường gặp ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản, điển hình nhất là bệnh viêm âm đạo, viêm vùng chậu, viêm cổ tử cung,…
Ngoài dấu hiệu viêm đau xương cụt, chị em còn có thể gặp phải một số triệu chứng như: đau bụng dưới, khí hư ra nhiều, vùng kín ngứa ngáy, cơ thể mệt mỏi, sốt, đau lưng,….Đây cũng là những căn bệnh có thể làm ảnh hưởng xấu đến thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Do đó chị em không nên chủ quan.
Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu cũng là bệnh lý thường gây ra triệu chứng đau xương cụt mà mọi người cần lưu ý. Khi đường tiết niệu bị nhiễm trùng sẽ gây kích ứng cơ quan bài tiết như niệu đạo, thận, bàng quang,…
Lúc này người bệnh sẽ gặp phải các dấu hiệu bất thường như đau lưng, tiểu buốt, tiểu rắt, đau vùng thắt lưng, cơn đau lan xuống xương cụt, hai bên mông và vùng bụng dưới. Kèm theo đó là triệu chứng viêm toàn thân, cơ thể mệt mỏi, sốt, ớn lạnh,…
Tóm lại, đau xương cụt là triệu chứng cảnh báo rất nhiều bệnh lý liên quan đến cột sống, hệ tiết niệu cũng như sức khỏe sinh sản (ở nữ giới). Vì thế mọi người cần nâng cao cảnh giác với tình trạng này để có biện pháp thăm khám, điều trị kịp thời, hiệu quả.
Đau xương cụt có nguy hiểm không?
Như đã chia sẻ ở trên, đau xương cụt là dấu hiệu chung của rất nhiều bệnh lý nguy hiểm. Mặc dù ít có khả năng gây ảnh hưởng đến tính mạng nhưng nó sẽ khiến cho chất lượng cuộc sống giảm sút. Tình trạng đau nhức, mệt mỏi làm hạn chế khả năng vận động của người bệnh.
Với các bệnh về cột sống, xương khớp có thể dẫn đến hậu quả nặng nề như teo cơ, liệt chi, tàn phế,….Do đó tất cả mọi người đều cần cảnh giác với triệu chứng đau xương cụt. Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường nên chủ động thăm khám chuyên khoa càng sớm càng tốt.
Trên đây là một số thông tin chia sẻ về hiện tượng đau xương cụt và các bệnh lý liên quan. Hy vọng đã đem đến độc giả thêm nhiều kiến thức hữu ích trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Chúc bạn đọc nhiều niềm vui!