Trên cơ thể chúng ta, xương cột sống được xem như trụ cột có chức năng nâng đỡ cơ thể và giúp chúng ta đứng thẳng. Cấu tạo cột sống của con người là sự kết hợp giữa các xương cột sống, đĩa đệm và dây chằng. Cột sống cũng thường gặp phải nhiều thương tổn và dễ phát sinh bệnh lý. Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về cấu tạo, chức năng cũng như các bệnh thường gặp ở cột sống.
Cấu tạo cột sống của con người
Cột sống của con người được hợp thành bởi 33 đốt sống, bao gồm:
- Cột sống cổ: 7 đốt (từ C1 tới C7)
- Cột sống lưng: 12 đốt (từ D1 tới D12)
- Cột sống thắt lưng: 5 đốt (từ L1 tới L5)
- Cột sống hông: 5 đốt (từ S1 tới S5)
- Và 4 đốt sống cụt.
Các đốt sống hông hợp lại với nhau thành 1 liên tảng lớn, những đốt sống cụt cũng hợp với nhau tạo nên 1 liên tảng nhỏ. Nằm ở vị trí giữa những đốt sống là các đĩa đệm.
Về cấu tạo của 1 đốt sống, mỗi đốt đều gồm 3 bộ phận là thân đốt, mõm đốt và lỗ đốt sống, cụ thể:
- Thân đốt sống: Gồm 2 mặt trên và dưới, có hình trụ, phần giữa hơi lõm vào và xung quanh là vành xương đặc. 2 cuống cung và 2 mảnh cung, cùng thân đốt sống tạo nên lỗ đốt sống.
- Mỏm đốt sống: Gồm mỏm gai, mỏm ngang và mỏm khớp. Mỏm gai chạy từ vị trí giữa mặt trước cột sống ra sau rồi xuống dưới. Mỏm ngang là mõm nối cuống đốt và nhánh đốt chạy ngang qua bên ngoài. Mõm khớp gồm 2 mỏm khớp dưới và 2 mõm khớp trên, mỗi mõm lại có một diện khớp để nối liền các đốt sống với nhau.
- Lỗ đốt sống: Bộ phận này được giới hạn bởi thân đốt sống ở phía trước và cung đốt sống ở phía sau và hai bên. Lỗ đốt của các đốt sống hợp lại với nhau tạo nên ống sống.
Chức năng của cột sống
Các chức năng, vai trò chính của cột sống bao gồm:
- Cột sống có chức năng như một “bộ giáp” bảo vệ phần tuỷ sống – phần kế tiếp của bộ não và là điểm khởi đầu của rễ thần kinh điều khiển toàn bộ hoạt động cơ thể.
- Cột sống cùng với xương chậu, xương sườn tạo nên khung cơ thể, làm điểm bám cho các cơ, bảo vệ các cơ quan trong ổ bụng và lồng ngực.
- Cột sống của chúng ta có 2 đoạn ưỡn tại thắt lưng và cổ, 1 đoạn gù tại ngực tạo nên hình dạng gần giống với chữ S. Cấu tạo này cùng với các đĩa đệm giúp cho áp lực tác động tới cột sống, cơ thể và hai chi dưới được phân tán.
- Các đốt sống phối hợp với nhau nhịp nhàng cùng sự co của dây chằng và các cơ, khả năng biến đổi hình dáng của đĩa đệm là yếu tố giúp cho cột sống vận động linh hoạt và đa dạng.
Các bệnh thường gặp ở cột sống
Một số bệnh lý có thể xảy ra ở cột sống gồm có:
Đĩa đệm cột sống bị thoát vị
Đây là căn bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất trong số các bệnh lý liên quan đến cột sống. Ở Việt Nam, độ tuổi trung bình mắc phải thoát vị đĩa đệm là 30 đến 60 tuổi. Điều đáng lo ngại là bệnh lý này đang có xu hướng trẻ hoá khi số người trẻ tuổi mắc bệnh ngày càng tăng lên.
Căn bệnh này có thể diễn ra sau khi bạn gặp chấn thương tại cột sống và thường có các dấu hiệu điển hình sau:
- Tê bì, đau nhức tay chân.
- Yếu cơ hoặc bại liệt.
- Không tự chủ được trong việc đại, tiểu tiện.
- “Vùng yên ngựa” bị mất cảm giác. Vùng này bao gồm phía sau chân, xung quanh hậu môn và má đùi trong.
Cột sống bị thoái hóa
Bệnh lý này rất thường gặp ở nhóm người cao tuổi, tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng lớn, bệnh cũng dễ xảy ra đối với người thường xuyên làm việc tay chân, lao động nặng hoặc phải đội, vác, mang đồ nặng trong thời gian dài. Bệnh gây chèn ép tủy sống, khiến bệnh nhân cảm thấy tê bì tay chân, đau đớn và vận động khó khăn.
Tuổi cao kèm theo quá trình lão hóa sẽ làm hư hại nặng nề cấu trúc của cột sống: Xơ hóa dây chằng, bào mòn mô sụn, rách bao xơ của đĩa đệm, đĩa đệm bị mất nước,… Thời gian lão hóa của mỗi người sẽ khác nhau tùy vào điều kiện làm việc, lao động, lối sống và thói quen sinh hoạt.
Biểu hiện của thoái hóa cột sống rất đa dạng phụ thuộc vào vị trí bị thoái hóa.
Đối với cột sống cổ, khi thoái hóa sẽ có những biểu hiện như sau:
- Cứng cổ. đau nhức, vận động khó khăn.
- Tê yếu, mất cảm giác bàn tay, liệt ngón tay, cánh tay, bả vai.
- Chóng mặt, đau đầu, nấc nhiều, hay ngáp.
Thoái hóa đốt sống thắt lưng:
- Đau nhức dữ dội hoặc âm ỉ trong thời gian dài, đau tăng lên khi nâng đỡ, mang vác đồ nặng hoặc ngồi lâu một tư thế.
- Cơn đau có thể lan xuống chân làm cho người bệnh di chuyển, đi lại khó khăn, sợ ngã, đứng không vững.
Cột sống bị cong vẹo
Cong vẹo cột sống là hiện tượng cột sống bị vẹo sang phải hoặc trái so với bình thường. Đây là một trong những dị tật nặng nề, gây ảnh hưởng tới các bộ phận liên quan khác và kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm.
Tình trạng này rất hay gặp ở trẻ nhỏ làm cản trở quá trình tăng trưởng chiều cao và sự phát triển các cơ quan khác, đồng thời khiến cho khung chậu, khung ngực, phổi và tim bị ảnh hưởng tiêu cực.
Các dấu hiệu của cong vẹo cột sống bao gồm:
- Hai vai có sự chênh lệch rõ ràng.
- Hông bên cao bên thấp, một bên xuất hiện rõ lằn xương sườn.
- Cột sống xuất hiện những vị trí cao bất thường, không thẳng, đường hõm ở hai bên eo có sự chênh lệch, đốt sống lồi lên.
- Cổ và cơ thể bị lệch hẳn sang một phía.
Đối tượng có nguy cơ mắc phải căn bệnh này là nhóm người có chế độ ăn uống nghèo dinh dưỡng, đi đứng, ngồi sai tư thế, trong gia đình đã có người bị bệnh.
Trên đây là một số chia sẻ của chúng tôi về cấu tạo cột sống của con người, cũng như chức năng và các bệnh lý về cột sống thường gặp nhất. Hy vọng rằng bài viết này có thể đem đến cho bạn và người thân những thông tin, kiến thức hữu ích. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.
Có thể bạn muốn biết:
- Trượt đốt sống lưng l4 l5 s1 là gì? Cách chữa trị hiệu quả
- Đau rễ thần kinh cột sống: 6 nguyên nhân và cách điều trị