Bấm huyệt chữa tê tay là biện pháp được nhiều người áp dụng bởi tính đơn giản, dễ thực hiện. Tuy nhiên, để hiệu quả đạt được tốt nhất, mọi người cần nắm rõ về kỹ thuật xoa bóp cũng như vị trí của các huyệt đạo có liên quan. Bạn đọc đang quan tâm và muốn tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này thì hãy cùng theo dõi trong bài viết sau đây.
Tác dụng của bấm huyệt chữa tê tay
Bấm huyệt là phương pháp chữa bệnh của y học cổ truyền, áp dụng các nguyên lý cân bằng ngũ hành – âm dương và nguồn năng lượng chạy bên trong cơ thể thông qua các huyết đạo. Một khi những huyệt đạo này xảy ra tình trạng tắc nghẽn thì sức khỏe của con người sẽ bị ảnh hưởng.
Theo đó, bấm huyệt có thể đem lại các lợi ích sau đây cho người bị tê tay:
- Thư giãn các thành mạch máu, kích thích lưu thông tuần hoàn máu, tăng lượng máu đến nuôi dưỡng khu vực cánh tay, bàn tay.
- Loại bỏ những áp lực đang đè nén lên dây thần kinh và cơ xương khớp ở cánh tay, đem lại cho bệnh nhân cảm giác dễ chịu, thả lỏng và thoải mái hơn.
- Cải thiện cảm giác tê mỏi, tê bì tay gây khó chịu đồng thời thúc đẩy quá trình giải phóng hormone endorphin, giúp giảm cảm giác đau nhức ở người bệnh.
- Giúp người bệnh lấy lại khả năng vận động, không còn gặp nhiều khó khăn khi sử dụng cánh tay, bàn tay.
Cách bấm huyệt chữa tê tay
Để có thể khắc phục nhanh chóng và hiệu quả tình trạng tê tay, người bệnh cần nắm vững về kỹ thuật bấm huyệt cũng như vị trí của mỗi huyệt đạo. Bài viết xin chia sẻ đến bệnh nhân một số các thông tin tham khảo hữu ích sau đây:
Cách xoa bóp tay
Trước khi thực hiện bấm huyệt, người bệnh nên dành vài phút để xoa bóp bàn tay, cánh tay trước. Điều này giúp tăng hiệu quả của bấm huyệt và thúc đẩy lưu lượng máu chảy đến khu vực đang tê nhức tốt hơn. Có hai cách xoa bóp cơ bản, đó là:
- Miết hai bàn tay: Người bệnh sử dụng bàn tay còn lại để vuốt dọc theo chiều từ thân bàn tay đến đầu các ngón tay. Sau đó, bệnh nhân chuẩn sang thực hiện miết với từng ngón tay. Thời gian thực hiện trong khoảng 2 đến 3 phút là được.
- Xoa mu bàn tay: Xoa bóp nhẹ phần mu bàn tay cũng là cách khởi động hiệu quả trước khi thực hiện bấm huyệt. Người bệnh sử dụng ngón tay cái và day ấn nhẹ nhàng cho khu vực mu bàn tay trong khoảng 30 giây đến 1 phút.
Bấm huyệt trị tê tay
Sau khi đã làm nóng cơ thể bằng cách xoa bóp cho bàn tay, cánh tay, người bệnh chuyển sang thực hiện bấm huyệt chữa tê tay. Điều đầu tiên cần làm là xác định chính xác vị trí các huyệt đạo, chúng gồm có:
- Huyệt Bát Tà: Bát Tà là một nhóm các huyệt đạo nằm ở giữa các khe ngón tay, trên đường tiếp giáp của mu tay và da gan tay. Mỗi bên tay trái, phải của con người đều có 4 huyệt Bát Tà, tương đương với 4 khẽ ngón tay. Tác dụng chính của huyệt đạo này là khu phong, trừ tà, dùng trong điều trị các chứng tê tay, sưng tay, đau đầu, đau nhức răng miệng.
- Huyệt Hợp Cốc: Huyệt đạo này nằm trên mu bàn tay, vị trí nối giữa ngón cái và ngón trỏ. Tác dụng chính của huyệt Hợp Cốc là giúp lưu thông khí huyết, dùng trong điều trị tê mỏi tay chân, đau nhức đầu, say tàu xe và đau dạ dày.
- Huyệt Lao Cung: Lao Cung nằm ở gan bàn tay, giữa ngón giữa và ngón áp út. Người bệnh có thể xác định bằng cách nắm tay lại, điểm mà đầu ngón giữa chạm đến chính là huyệt Lao Cung. Theo Đông y, huyệt đạo này có tác dụng ổn định thần khí, trừ tà, tiêu độc, hạ hỏa và thanh nhiệt.
Các bước thực hiện bấm huyệt như sau:
- Xoa bóp nhẹ nhàng một vài phút xung quanh vị trí của huyệt đạo.
- Dùng ngón cái hoặc ngón trỏ ấn vào vị trí huyệt đạo, lưu ý lực đạo không nên quá mạnh. Thời gian ấn khoảng 1 phút.
- Thực hiện lần lượt như vậy với từng huyệt đạo nói trên. Nếu muốn gia tăng hiệu quả, người bệnh có thể sử dụng thêm tinh dầu xoa bóp.
Bấm huyệt chữa tê tay hoàn toàn có thể thực hiện dễ dàng tại nhà, giúp người bệnh cải thiện rõ rệt các triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người bệnh nên trao đổi trước với bác sĩ và chuyên gia về phương pháp bấm huyệt cũng như vị trí của mỗi huyệt đạo.