Thoái hóa đốt sống cổ ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Vậy nguyên nhân gây bệnh là gì, dấu hiệu nào nhận biết, điều trị ra sao, thoái hóa đốt sống cổ có nguy hiểm không… Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin tổng quan nhất về bệnh.
Thoái hóa đốt sống cổ là gì?
Thoái hóa đốt sống cổ là khái niệm dùng để chỉ tình trạng viêm khớp cổ, lớp sụn, xương ở cổ bị mòn dần dẫn tới đau nhức, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng vận động. Với cấu tạo cột sống cổ được đánh số thứ tự từ C1 – C7 thì bất cứ đốt sống nào cũng có thể bị thoái hóa nhưng phổ biến hơn cả là 3 đốt C5, C6, C7.
Đây là dạng bệnh lý thoái hóa cột sống có mức độ tiến triển chậm, cơn đau thường xảy ra khi vận động và giảm xuống nếu được nghỉ ngơi nên dễ khiến người bệnh chủ quan, xem như đã khỏi bệnh tuy nhiên sau đó một thời gian ngắn bệnh sẽ tái lại với tần suất cao hơn.
Nguyên nhân thoái hóa đốt sống cổ
Những cơn đau do thoái hóa đốt sống cổ thường tạo nên bởi 2 nguyên nhân: Đau cơ học (do vật nặng chèn ép vào rễ thần kinh) hoặc đau do viêm (tổn thương đĩa đệm và hệ thống sụn khớp bên trong cột sống).
- Tuổi tác: Theo thời gian, tất cả các bộ phận trên cơ thể chúng ta – trong đó có sụn khớp sẽ bị lão hóa dần. Theo những thống kê mới nhất của hiệp hội xương khớp thì có hơn 90% người bệnh thoái hóa đốt sống cổ ở độ tuổi ngoài 60.
- Di truyền: Nếu tiền sử gia đình bạn có ông bà, cha mẹ mắc chứng thoái hóa đốt sống cổ thì khả năng mắc bệnh của bạn cao hơn gấp đôi người bình thường.
- Vận động mạnh, chấn thương: Tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc chơi các môn thể thao mạnh bị ngã ở vùng cổ cũng làm các đốt sống mất đi chức năng.
- Xơ cứng dây chằng: Dây chằng là bộ phận nằm giữa các đốt sống cổ có vai trò kết nối chúng lại với nhau, khi dây chằng mất đi độ đàn hồi thì các vận động của cổ như xoay, cúi, gập sẽ không còn trơn tru như trước.
- Sai tư thế một thời gian dài: Việc ngồi làm việc quá gần hoặc quá xa, ngồi lâu cúi cổ đánh máy tính không vận động hoặc nằm gối quá cao cũng gây ra những tổn thương cho khớp cổ.
- Đĩa đệm bị thoát vị, mất nước: Đĩa đệm là bộ phận nằm giữa các đốt sống để giảm áp lực và tạo độ uyển chuyển trong mỗi hoạt động của chúng ta, lâu dài, đĩa đệm khô cứng, mất nước, rạn nứt, các nhân nhày bên trong rò rỉ hoặc trượt ra khỏi vị trí ban đầu khiến các đốt sống cọ xát trực tiếp vào nhau gây đau.
- Những nguyên nhân khác: Việc thừa cân, béo phì, hút nhiều thuốc, lười vận động… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
6 dấu hiệu thoái hóa đốt sống cổ bạn nên biết
Các chuyên gia xương khớp cho rằng, phần đốt sống cổ được xem như bộ não thứ 2 của một cơ thể bởi tất cả các tổ chức thần kinh chi phối mọi hoạt động của cơ thể đều đi qua vùng cột sống này. Đây là lý do tại sao khi bạn bị thoái hóa đốt sống cổ thì cơn đau không chỉ diễn ra ở cổ mà con lan rộng tới các bộ phận khác.
Đáng tiếc là hầu hết các trường hợp khi phát hiện thì bệnh đã diễn tiến nặng, có lẽ một phần do người bệnh chủ quan với những biểu hiện tưởng chừng như nhỏ nhặt. Thoái hóa đốt sống cổ không xảy ra đột ngột mà nó sẽ có cả một quá trình với những dấu hiệu nhận biết như sau:
Các cơn đau cổ cấp tính
Thường diễn ra đột ngột khi bạn quay cổ, lắc đầu phát ra những tiếng “cục cục” kèm đau buốt, cơn đau diễn ra khi thời tiết thay đổi, sau 1 giấc ngủ dài sai tư thế, do bạn gối đầu quá cao hoặc vừa bê vác vật nặng. Thông thường các cơn đau sẽ giảm đi và biến mất nếu được nghỉ ngơi khiến người bệnh lầm tưởng bệnh chỉ như vậy là khỏi.
Các cơn đau cổ mãn tính
Nếu không được điều trị đúng cách các cơn đau cấp tính kể trên sẽ diễn biến thành mãn tính sau khoảng 1 năm với các biểu hiện: cơn đau lần sau sẽ diễn ra lâu và đau nhiều hơn lần trước, đôi khi đang tự nhiên ngồi chơi cũng bị đau..
Vận động rất khó khăn
Các chuyển động cổ như cúi, ngửa, xoay người tưởng như dễ dàng nhưng lại vô cùng vất vả với người bệnh. Ví dụ, khi cúi cằm không thể chạm ức, khi ngửa cổ thấy căng và đau, khi nghiêng chỉ được tối đa 10 độ…
Cơn đau lan sang các vùng khác
Cơn đau xuất phát từ gáy lan xuống hai bên vai và cánh tay, khuỷu tay. Nặng nhất là khi vùng tay bắt đầu suy giảm sức lực, cầm đồ vật run run không vững, tê bì phần tay…
Cột sống bị biến dạng
Nếu bệnh diễn ra trong thời gian dài sẽ có biểu hiện ra ngoài có thể nhìn thấy bằng mắt thường như cột sống cổ vẹo, cong, phình, lồi…
Các tổn thương khác
Theo ghi nhận thực tế, người thoái hóa đốt sống cổ cũng thường hay bị nấc cục, đau đầu, mất ngủ, da dẻ xanh xao, nhức hốc mắt, hoa mắt chóng mặt, trí nhớ giảm, sạm da, nám da. Nguyên nhân chính là do tắc nghẽn, máu không được tuần hoàn đến các hệ cơ quan.
Thoái hóa đốt sống cổ có nguy hiểm không?
Thoái hóa đốt sống cổ bắt đầu với những dấu hiệu khá đơn giản nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại những biến chứng khôn lường. Không chỉ là những cơn đau nhức ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, công việc mà bệnh còn có thể khiến người mắc teo cơ, mất chức năng vận động vùng tay thậm chí là tàn phế. Những biến chứng thường gặp là:
Hiện tượng thiếu máu lên não
Các rễ thần kinh vùng cổ bị chèn ép khiến máu không thể lưu thông đến phần đầu dẫn tới các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, mất ngủ, cơ thể suy nhược do não không được cung cấp đủ oxy và máu. Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài người bệnh sẽ bị ngất xỉu thậm chí là đột quỵ.
Hội chứng cổ – vai gáy – tủy sống
Thoái hóa đốt sống cổ nếu xuất hiện gai xương hoặc thoát vị đĩa đệm sẽ khiến người bệnh bị rối loạn cảm giác, tay tê bì, không phân biệt được nóng lạnh, vô cùng nguy hiểm.
Hội chứng cổ – nội tạng
Nguy hiểm nhất là dây thần kinh chèn ép chi phối tim, nếu thấy các biểu hiện như tim đập nhanh, loạn nhịp, đau nhói ở ngực lan ra hai bên bả vai thì cần thăm khám chuyên khoa ngay vì bệnh đã bước vào giai đoạn nguy hiểm.
Việc nắm được những biến chứng nguy hiểm của thoái hóa đốt sống cổ sẽ giúp người bệnh có sự chủ động trong quá trình điều trị, tránh tâm lý chủ quan, coi thường đến khi bệnh nặng mới bắt đầu chữa vừa đau đớn nhiều lại tốn kém.
Chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ
Việc chẩn đoán chính xác đóng vai trò quan trọng giúp bác sĩ biết được quy trình, phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân, cụ thể gồm các bước như sau:
Bước 1: Khám lâm sàng
- Quan sát chuyển động của cổ khi người bệnh di chuyển, đi lại.
- Yêu cầu người bệnh thực hiện các động tác cúi, xoay, ngửa cổ.
- Người bệnh thực hiện những phản xạ của vùng tay để xem đã xuất hiện biến chứng chưa.
Bước 2: Tiến hành xét nghiệm thông qua hình ảnh
Thông qua các hình ảnh thu được bác sĩ sẽ chuẩn đoán được tình trạng bệnh
- Chụp CT cắt lớp
- Chụp Xquang vùng cổ
- Chụp cộng hưởng từ MRI
Bước 3: Tiến hành xét nghiệm chức năng thần kinh
- Dùng các điện cực gắn vào da vùng cổ để dẫn truyền thần kinh và theo dõi phản ứng.
- Truyền thông điệp đến các cơ bắp và đo hoạt động điện cơ trong dây thần kinh.
Điều trị thoái hóa đốt sống cổ
Dựa vào những chẩn đoán bên trên bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp bạn quyết định phương án điều trị. Với căn bệnh thoái hóa đốt sống cổ thì có tới hơn 70% sẽ được chỉ định điều trị bảo tồn, có thể thực hiện ngay tại nhà. Mục đích chính là giúp người bệnh giảm đau, ngăn ngừa biến chứng cũng như phục hồi chức năng vận động. Việc xóa sổ hoàn toàn bệnh là vô cùng khó khăn.
Những phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
Điều trị tại nhà
- Chườm: Chườm lạnh bằng đá viên hoặc chườm nóng bằng những bài thuốc dân gian như dùng lá lốt, ngải cứu sao vàng rồi chườm cũng là cách giảm đau hiệu quả.
- Dùng thuốc giảm đau: Các loại thường dùng là Ibuprofen, acetaminophen…thích hợp dùng để kiểm soát những cơn đau cấp tính, khi bệnh mới khởi phát.
- Các thuốc giảm đau được kê đơn: Nhóm thuốc này tác dụng mạnh hơn các thuốc giảm đau không kê đơn kể trên rất nhiều lần nên người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ. Cụ thể, đó có thể là thuốc giảm đau chứa morphin, thuốc giãn cơ cyclobenzaprine, thuốc chống viêm không steroid hoặc thuốc tiêm steroid.
- Dành mỗi ngày tối thiểu 15 phút để tập một môn thể thao yêu thích như đi bộ, bơi lội… cũng giúp rút ngắn thời gian điều trị.
- Người bệnh có thể dùng tới sự trợ giúp của các thiết bị chuyên dụng như nẹp cổ mềm trong thời gian ngắn. Chúng sẽ giúp bạn dễ chịu hơn nhưng không nên quá lạm dụng, phụ thuộc sẽ khiến cơ vùng cổ càng thêm suy yếu.
Vật lý trị liệu
Phương pháp kéo dãn cột sống thực hiện bằng máy hoặc điện trị liệu (dùng sóng ngắn, siêu âm, tia laser) sẽ giúp kéo dài cơ cổ, tăng cường sự đàn hồi, dẻo dai và giảm nhanh những cơn đau nhức. Đồng thời người bệnh sẽ được thiết kế hệ thống bài tập phù hợp có thể tập tại nhà hằng ngày tránh cơn đau tái phát.
Phẫu thuật
Đây là can thiệp ngoại khoa được chỉ định trong trường hợp xấu nhất khi người bệnh không đáp ứng với những biện pháp bảo tồn bên trên. Mặc dù có thể chữa dứt điểm được bệnh nhưng phẫu thuật mang tới nhiều rủi ro và người bệnh cần chuẩn bị một số tiền lớn để tiến hành mổ.
Hiện nay phổ biến nhất là hai hình thức: Mổ hở (mổ truyền thống, chi phí ít hơn nhưng khả năng xâm lấn cao, thời gian hồi phục lâu) và mổ nội soi (thực hiện thông qua việc tạo một lỗ nhỏ ở vùng cần phẫu thuật sau đó đưa thiết bị có gắn camera vào, hình ảnh phản chiếu chân thực lên một màn hình lớn, bác sĩ dựa vào đó để cắt bỏ hoặc thay thế phần đĩa đệm hư hỏng). Mỗi phương pháp đều có những ưu – nhược điểm riêng. Phụ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể bác sĩ sẽ chỉ định phương án phù hợp.
Phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, với thoái hóa đốt sống cổ thì việc phòng bệnh khá đơn giản, tuy nhiên đòi hỏi chúng ta phải thật sự nghiêm túc, không được coi thường những biểu hiện bệnh dù là nhỏ nhất.
- Tập những bài tập cổ hằng ngày. Nếu có điều kiện hãy tham gia những lớp yoga để tập cùng người hướng dẫn hoặc tranh thủ tập tại nhà, thực hiện theo những video trên youtube.
- Chú ý thay đổi tư thế: Không ngồi, đứng, cúi hay vận động cổ trong thời gian dài quá 1 tiếng.
- Nếu cảm thấy nhức mỏi vùng cổ hãy tiến hành xoa bóp, matxa nhẹ nhàng, không nên cố làm khi đã cảm thấy mệt.
- Sắp xếp cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi. Đặc biệt với những người làm công việc văn phòng, phải ngồi thời gian dài trước máy tính thì hãy tạo những thói quen tốt ngay nơi công sở như thường xuyên đứng dậy làm vài động tác thể dục nhẹ nhàng, hạn chế ăn vặt… Ngoài ra, hãy chọn một chiếc ghế có độ cao phù hợp với bàn làm việc, tránh phải cúi hoặc với quá xa.
- Hạn chế tối đa những tác động không tốt, tạo áp lực lên vùng cổ như đeo, mang vác vật nặng, thừa cân béo phì…
- Khi ngủ cũng hãy chú ý thay đổi tư thế thường xuyên, nằm 1 tư thế cả đêm dễ khiến bạn bị vẹo cổ dẫn tới đau nhức. Nằm nghiêng hoặc nằm ngửa và chọn một chiếc gối vừa phải, không nên nằm sấp rất dễ bị đau cổ.
- Tuyệt đối không tự ý vặn, ấn cổ mạnh khi bị đau, hành động này không những không giúp giảm đau mà còn có thể gây trật khớp mỏm đốt sống gây liệt.
Trên đây là tất cả những kiến thức tổng quan nhất về căn bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho người bệnh trong quá trình điều trị để nhanh chóng đẩy lùi bệnh. Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh.