Thay khớp gối hết bao nhiêu tiền là vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm. Đây là một thủ thuật y tế phức tạp, cần được thực hiện bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm và có trình độ chuyên môn cao để tăng tỷ lệ thành công đồng thời ít để lại di chứng về sau. Bạn đọc quan tâm và muốn tìm hiểu về chủ đề này có thể tham khảo những thông tin trong bài viết sau đây.
Thay khớp gối chỉ định trong trường hợp nào?
Thay khớp gối là một loại hình phẫu thuật được thực hiện nhằm mục đích loại bỏ những phần sụn khớp, xương đã bị thoái hóa và tổn thương nghiêm trọng không thể phục hồi. Phần bị loại bỏ sẽ được thay thế bằng khớp nhân tạo với các chất liệu đặc biệt, giúp việc vận động của người bệnh vẫn có thể thực hiện như bình thường.
Thay khớp gối là can thiệp ngoại khoa yêu cầu được thẩm định và tiên lượng kỹ lưỡng trước khi tiến hành. Các bác sĩ phẫu thuật cũng phải là những người có trình độ chuyên môn cao cũng như kinh nghiệm thực tiễn trong nhiều năm để hạn chế tối đa các rủi ro và biến chứng sau phẫu thuật.
Thay khớp đầu gối thường được chỉ định với các trường hợp sau đây:
- Người bị thoái hóa khớp gối giai đoạn 4, các phương pháp điều trị khác không thể bảo tồn được nữa.
- Người gặp các chấn thương nghiêm trọng liên quan đến khớp đầu gối đồn thời khớp gối đã bị hư hại không thể phục hồi.
- Người bệnh biến dạng khớp gối nặng có liên quan đến nhiễm trùng, viêm bao hoạt dịch, di chứng sau tai nạn,….
Kỹ thuật thực hiện thay khớp gối về cơ bản được chia thành 2 loại sau:
- Phẫu thuật bán phần: Kỹ thuật này được áp dụng với những người chỉ bị tổn thương một phần khớp gối. Người bệnh sau khi thay khớp bán phần có tỷ lệ hồi phục cao, nguy cơ biến chứng cũng ít hơn so với thay thế khớp gối toàn phần.
- Phẫu thuật toàn phần: Đối với những trường hợp khớp gối hư hại và biến dạng nghiêm trọng, thay khớp gối toàn phần là lựa chọn duy nhất. Sau khi toàn bộ khớp gối hỏng được loại bỏ, một khớp nhân tạo sẽ được trám vào vị trí giữa các đốt xương. Loại phẫu thuật này mất nhiều thời gian thực hiện cũng như hồi phục sau đó, nguy cơ xảy ra biến chứng cũng cao hơn.
Sau khi thực hiện thay khớp gối, người bệnh phải thật thận trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe. Các bác sĩ thường khuyến nghị người bệnh nên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho khu vực khớp gối vừa phẫu thuật đồng thời tăng cường bổ sung sinh dưỡng đầy đủ. Sau khi đầu gối bắt đầu cử động lại được, người bệnh nên tìm đến các trung tâm vật lý trị liệu để bắt đầu luyện tập và phục hồi chức năng.
Thay khớp gối hết bao nhiêu tiền?
Bên cạnh các vấn đề liên quan đến thay khớp gối nêu trên, nhiều người bệnh còn quan tâm thay khớp gối hết bao nhiêu tiền. Theo các chuyên gia, mức chi phí thay khớp gối phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác nhau, ví dụ như: Loại khớp nhân tạo sử dụng, bác sĩ phẫu thuật, dịch vụ giường bệnh và phòng mổ, bảo hiểm y tế,…
Hiện nay, chi phí thay khớp đầu gối rơi vào tầm trên dưới 80 triệu VNĐ, trong đó mức giá cho phần khớp nhân tạo thường dao động trong khoảng 60 triệu VNĐ đến 65 triệu VNĐ, phần còn lại là công phẫu thuật, chi phí dịch vụ bệnh viện.
Người bệnh nếu có thẻ bảo hiểm y tế thì có thể sử dụng để được khấu trừ một phần chi phí phẫu thuật. Số tiền khấu trừ còn phụ thuộc vào loại bảo hiểm của mỗi bệnh nhân tuy nhiên mức tối đa không vượt quá 40 triệu. Bên cạnh đó, người bệnh còn phải mất thêm một số khoảng nữa trong quá trình hồi phục như thuốc kháng sinh, vật lý trị liệu,… để đảm bảo đầu gối thay mới không gặp phải vấn đề biến chứng hay nhiễm trùng nghiêm trọng.
Người bệnh cũng cần lưu ý khi lựa chọn bệnh viện điều trị. Tốt nhất là bệnh nhân nên tìm đến thăm khám tại các bệnh viện công lập uy tín và có các chuyên khoa liên quan đến xương khớp như bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh viện Bạch Mai,…
Bài viết hy vọng đã giúp bạn đọc giải đáp được những băn khoăn liên quan đến chủ đề “Thay khớp gối hết bao nhiêu tiền?”. Người bệnh trước khi thực hiện phẫu thuật nên trao đổi cùng với bác sĩ điều trị để nắm rõ được các thông tin liên quan đến chi phí cũng như quá trình chăm sóc về sau, giúp cơ thể có thể phục hồi nhanh chóng nhất.