Thận hư là một trong những tình trạng tổn thương thận có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Chính vì vậy, việc nắm được những thông tin cơ bản liên quan đến bệnh lý này là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe tốt hơn. Bạn đọc quan tâm thì đừng bỏ qua bài viết tổng hợp sau đây nhé!
Hội chứng thận hư là gì?
Hội chứng thận hư (tên tiếng Anh: Nephrotic syndrome) theo các chuyên gia là tập hợp của nhiều triệu chứng cho thấy chức năng thận bị rối loạn và không thể hoạt động như bình thường. Tình trạng này có thể dẫn đến một số các hiện tượng như nước tiểu dư thừa protein, không có đủ protein trong máu, máu có quá nhiều chất béo và cholesterol,…
Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải hội chứng thận hư nhưng thông thường nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn so với nữ giới. Đối với trẻ em, vấn đề này thường gặp nhất là ở độ tuổi từ 2 – 6. Bên cạnh yếu tố tuổi tác hay giới tính, còn có một số điều kiện khác khiến nguy cơ mắc bệnh gia tăng, chúng gồm có:
- Có tiền sử mắc các bệnh khiến chức năng thận suy giảm, ví dụ như lupus ban đỏ, tiểu đường,…
- Lạm dụng các loại thuốc kháng sinh đường uống hoặc các loại thuốc chống viêm non steroid như ibuprofen, aspirin, naproxen,…
- Bị nhiễm trùng các loại virus gây suy giảm hệ thống miễn dịch như HIV, virus sốt rét, virus viêm gan B hoặc C,…
Nguyên nhân thận hư
Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến hội chứng thận hư. Trong đó nổi bật nhất có thể kể đến là:
- Thương tổn thận tối thiểu (tên tiếng Anh: Minimal change disease): Đây được coi là nguyên nhân chính gây bệnh ở trẻ em. Theo các bác sĩ, ngay cả khi mô thận của bệnh nhân được soi chiếu dưới kính hiển vi cũng rất khó để nhận thấy những sự thay đổi. Hiện nay khoa học vẫn chưa tìm ra cơ chế khiến tổn thương thận tối thiểu gây ảnh hưởng đến chức năng thận nhưng có nhiều giả thuyết nghiêng về các yếu tố rủi ro như dùng thuốc, virus hoặc dị ứng.
- Viêm cầu thận xơ hóa khu trú (Focal segmental glomerulosclerosis): Đối với người trưởng thành, bệnh lý này được xem là nguyên nhân chính gây ra hội chứng thận hư. Viêm cầu thận xơ hóa khu trú thường để lại trên cầu thần của bệnh nhân những vết sẹo với nhiều kích thước khác nhau, từ đó khiến lọc máu, đào thải độc tố bị chức năng ảnh hưởng.
Triệu chứng thận hư
Rất nhiều bệnh nhân không biết mình mắc phải hội chứng thận hư cho đến khi thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu như phân tích thành phần máu và nước tiểu. Lý do là vì những triệu chứng bên ngoài không thể hiện một cách rõ rệt và đầy đủ, thậm chí có những trường hợp không nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào của cơ thể.
Những dấu hiệu thể hiện rằng thận đang hoạt động không bình thường thông qua xét nghiệm chuyên sâu có thể kể đến như: Protein có quá nhiều trong nước tiểu (protein niệu), lượng mỡ và cholesterol trong máu cao bất thường (tăng lipid máu/mỡ máu), nồng độ albumin trong máu quá thấp (hạ albumin máu),….
Theo các bác sĩ, các triệu chứng, biểu hiện thường thấy của bệnh có thể kể đến là:
- Chân, bàn chân, mắt cá chân của người bệnh trở nên sưng phồng. Có một số bệnh nhân còn bị sưng tấy ở mặt và bàn tay. Lý giải cho hiện tượng này, các chuyên gia cho biết khi chức năng thận trở nên rối loạn, các chất lỏng không được đào thải qua hệ tiết niệu mà tích tụ lại bên trong cơ thể, dẫn đến tình trạng phù nề, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người bệnh.
- Tăng cân nhanh chóng. Cũng có những người bệnh mắc phải thận hư khiến cơ thể tăng cân nhanh chóng. Điều này liên quan đến việc hệ thống đào thải của thận hoạt động kém hiệu quả, khiến chất thải tích tụ trong cơ thể ngày một nhiều hơn.
- Bên cạnh, bệnh nhân còn có thể gặp phải một số các triệu chứng khác như: Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống, nước tiểu sủi bọt hoặc xuất hiện rất nhiều bọt trắng, không cảm thấy đói dù chưa ăn gì, không cảm thấy khát nước,…
Hội chứng thận hư có nguy hiểm không?
Có không ít người bệnh thắc mắc liệu hội chứng thận hư có gây nguy hiểm hay không. Theo các chuyên gia, tình trạng này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xấu ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là đối với trường hợp điều trị muộn và để bệnh kéo dài quá lâu.
Các biến chứng thường gặp nhất ở người bệnh thận hư có thể kể đến là:
- Phù nề nghiêm trọng ở tay chân: Khi thận không thể hoạt động bình thường, protein albumin thay vì được lọc lại rò rỉ vào bên trong nước tiểu. Điều này dẫn đến hiện tượng hạ albumin máu và tích tụ chất lỏng dư thừa, khiến người bệnh bị sưng phù nghiêm trọng. Dù sưng phù không gây đau đớn hay tê bì nhưng lại ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh nhân, một số trường hợp nặng thậm chí chỉ có thể nằm tại chỗ và không thể di chuyển.
- Hình thành cục máu đông: Một trong những biến chứng nghiêm trọng của bệnh thường thấy là hình thành cục máu đông trong động mạch, tĩnh mạch. Nguyên nhân là vì cholesterol và mỡ không được thận đào thải ra khỏi cơ thể mà tích tụ bên trong thành mạch. Về lâu dài, điều này dẫn đến việc hình thành cục máu đông, có thể khiến nguy cơ đau tim, đột quỵ, xơ vữa động mạch tăng cao.
- Huyết áp cao: Huyết áp cao cũng là một biến chứng có liên quan đến việc mỡ và cholesterol không được lọc bỏ và đào thải ra khỏi cơ thể. Khi chúng đóng thành mảng trên thành mạch có thể khiến lưu lượng máu không thể di chuyển như bình thường. Điều này khiến áp suất gia tăng, dẫn đến hiện tượng cao huyết áp đi kèm với hàng loạt triệu chứng khó chịu như khó thở, lú lẫn, tim đập nhanh, choáng váng, mặt nóng bừng,…
- Các bệnh nhiễm trùng: Khi thận hoạt động kém hiệu quả và khiến cơ thể mất đi những loại protein chống nhiễm trùng như immunoglobulins, hệ thống đề kháng và miễn dịch sẽ trở nên suy yếu hơn. Đây là điều kiện thuận lợi cho những bệnh nhiễm trùng phát triển, ví dụ như viêm phổi hay viêm màng não.
- Suy thận: Người bệnh có các triệu chứng thận hư có thể phải đối mặt với nguy cơ suy thận nếu không có biện pháp xử lý kịp thời. Lúc này, thận đã bị tổn thương nghiêm trọng và không thể tự mình lọc máu cũng như đào thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Người bệnh sẽ phải áp dụng phương pháp chạy thận nhân tạo để giúp duy trì các hoạt động sống của cơ thể.
Hội chứng thận hư có chữa khỏi được không?
Bên cạnh vấn đề “Hội chứng thận hư có nguy hiểm không?”, một trong những chủ đề cũng đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ người bệnh chính là tình trạng này có thể chữa khỏi được hay không.
Theo các bác sĩ, hiện nay vẫn chưa có biện pháp giúp điều trị dứt điểm tình trạng hư yếu thận. Người bệnh chỉ có thể dùng thuốc hoặc những biện pháp bảo tồn khác để làm giảm triệu chứng khó chịu và ngăn không cho thận bị tổn thương thêm. Bệnh nhân cũng cần có một chế độ dinh dưỡng, chăm sóc, nghỉ ngơi hợp lý và lành mạnh nhằm bảo vệ sức khỏe tổng thể và hạn chế tối đa những ảnh hưởng xấu có thể xảy đến với thận.
Phác đồ điều trị hội chứng thận hư
Phác đồ điều trị chính gồm có:
Chẩn đoán bệnh thận hư
Để xây dựng được một phác đồ điều trị hoàn chỉnh và thích hợp với mỗi người bệnh, các bác sĩ trước tiên cần chẩn đoán chính xác tình trạng cũng như mức độ tổn thương của quả thận. Hiện nay, các biện pháp chẩn đoán hội chứng thận hư được sử dụng nhiều nhất có thể kể đến là:
- Xét nghiệm nước tiểu: Đối với những người đang gặp phải các vấn đề liên quan đến thận, xét nghiệm nước tiểu là loại kiểm tra cần thiết và bắt buộc phải thực hiện. Thông qua kết quả phân tích mẫu nước tiểu của người bệnh, các bác sĩ có thể xác định thận hư nếu nhận thấy lượng protein dư thừa bên trong nước tiểu. Protein trong nước tiểu là dấu hiệu sớm nhất cảnh báo thận đang bị tổn thương.
- Xét nghiệm máu: Bên cạnh xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu cũng là biện pháp chẩn đoán phổ biến và được thực hiện rất nhiều. Kết quả phân tích thành phần máu có thể giúp bác sĩ nhận định liệu thận có đang hoạt động bình thường hay không. Bằng chứng thể hiện rõ ràng nhất là mức độ lipid và cholesterol trong máu quá cao trong khi nồng độ albumin lại quá thấp.
- Sinh thiết thận: Trong một số trường hợp cần thiết, các bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết thận. Đối với loại xét nghiệm này, các bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô thận nhỏ và đem nó đi phân tích trong phòng thí nghiệm bằng phương pháp soi kính hiển vi. Sinh thiết thận giúp tìm ra những tổn thương thận có liên quan đến các nguyên nhân như lam dụng thuốc hay nhiễm trùng.
Các biện pháp điều trị
Sau khi có kết quả chẩn đoán, người bệnh cần tập trung vào việc điều trị triệu chứng thông qua các biện pháp sau đây:
Sử dụng thuốc Tây y chữa thận hư
Việc sử dụng thuốc thường dựa vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Nghĩa là tùy thuộc vào bệnh tình của mỗi bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc khác nhau. Các loại thuốc Tây y thường được sử dụng là:
- Chất ức chế ACE hoặc ARBs: Đây là những loại thuốc thuộc nhóm thuốc huyết áp giúp làm giảm áp lực bên trong cầu thận cũng như hạn chế tối đa lượng protein thiết yếu bị rò rỉ vào nước tiểu. Các chất ức chế ACE hoặc ARBs có thể là: Benazepril, lisinopril, ramipril,…
- Thuốc lợi tiểu: Để cải thiện tình trạng sưng phù tay chân, mặt và mát cà chân do lượng chất lỏng tích tụ lại quá nhiều, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc lợi tiểu. Ví dụ như: Indapamide, chlorothiazide, hydrochlorothiazide,…
- Các loại thuốc làm giảm cholesterol trong máu: Tình trạng dư thừa protein trong máu có thể dẫn đến nhiều nguy cơ biến chứng gây hại đến sức khỏe tim mạch. Chính vì vậy, người bệnh cần tích cực sử dụng các loại thuốc làm giảm cholesterol trong máu như: Cholestyramin, vitamin PP, fenofibrat,…
- Thuốc làm loãng máu hoặc thuốc chống đông máu: Do người bệnh thận hư phải đối mặt với nguy cơ hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu nên phải sử dụng thêm các thuốc loãng máu hoặc thuốc chống đông. Ví dụ như: Warfarin, heparin, dabigatran, edoxaban,….
Sử dụng các bài thuốc Đông Y chữa thận hư
Nhiều người bệnh thận hư cũng tìm đến sự trợ giúp của các bài thuốc Đông y, nhất là với những trường hợp cơ địa mẫn cảm hoặc dị ứng với thuốc Tây y. Người bệnh lưu ý à nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng và cách dùng để hạn chế nguy có tác dụng phụ gây tổn thương đến sức khỏe.
Các bài thuốc Đông y hỗ trợ điều trị hiệu quả gồm có:
- Ngân kiều tán gia giảm: Bài thuốc Đông Y này sử dụng các vị thuốc như ngân hoa, liên kiều, huyền sâm, ngư tinh thảo, bạch mao căn với công dụng chính là thanh nhiệt, lương huyết, sơ phong, chỉ huyết.
- Tiểu kế ẩm tử gia vị: Đối với bài thuốc Đông y này,, các vị thuốc được sử dụng gồm có biển súc, thạch vĩ, nhân trần, cam thảo, đạm trúc diệp, chi tử sao đen, đương quy, sinh địa hoàng, bông mã đề, mộc thông, bồ hoàng, ngẫu tiết. Công dụng chính của bài thuốc là thanh nhiệt, lương huyết, lợi huyết và lợi thấp.
- Đạo xích tán gia vị: Bài thuốc Đạo xích tán gia vị này sử dụng các loại dược liệu chính như chi tử, hoạt thạch, ngẫu tiết, bồ hoàng, cam thảo, mộc thông, trúc diệp, sinh địa hoàng. Tác dụng chính của bài thuốc là tả hỏa thanh âm, chỉ huyết lương huyết.
Các mẹo vặt dân gian
Đối với những bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ hơn có thể thử áp dụng các bài thuốc dân gian sau đây:
- Đậu đen: Hạt đậu đen theo y học cổ truyền có vị ngọt, tính mát, tác dụng bổ thận, thanh nhiệt và giảm phù nề. Người bệnh thực hiện bằng cách đem đậu đen sao khô rồi dùng pha nước uống hàng ngày.
- Rau mã đề: Nhắc đến những loài thảo mộc giúp thanh nhiệt, giải độc, hạ hỏa không thể không kể đến rau mã đề. Bài thuốc rau mã đề cũng giúp cải thiện một số triệu chứng của thận hư. Cách sử dụng rất đơn giản, người bệnh có thể dùng rau mã đề tươi hoặc sấy khô để đun nước uống hàng ngày.
Chế độ dinh dưỡng
Bên cạnh việc điều trị triệu chứng, người bệnh cũng cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Theo các chuyên gia, bệnh nhân thận hư nên:
- Chú ý đến lượng protein thu nạp vào cơ thể mỗi ngày. Hàm lượng protein phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng nhưng tốt nhất là người bệnh nên hạn chế.
- Hạn chế tối đa lượng muối ăn, điều này giúp bệnh nhân phòng tránh tình trạng phù nề và giữ huyết áp ở mức tốt nhất cho cơ thể.
- Ăn ít các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa và có hàm lượng cholesterol cao để giúp hạn chế sự tích tụ cholesterol xấu trong máu. Thay vào đó, người bệnh nên tăng cường thịt cá hoặc các loại thịt nạc như ức gà.
Bài viết trên đây hy vọng đã giúp bạn đọc giải đáp một phần nào đó có liên quan đến hội chứng thận hư. Để phòng tránh hiệu quả tình trạng này, mọi người nên tăng cường uống nước, ăn nhiều rau xanh và tích cực hoạt động thể chất hàng ngày.