Đau lưng khi mang thai rất phổ biến, đặc biệt là những cơn đau nhức ở 3 tháng đầu, do thai nhi phát triển chèn ép, tác động trực tiếp đến cột sống và xương chậu. Vị trí đau nhức nhiều nhất là vùng thắt lưng dưới gần với xương chậu. Cơn đau lưng có thể xuất hiện ngay ở tuần đầu khi mang thai hoặc trong các tháng đầu, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và tháng cuối. Có một số chị em hỏi rằng: “Đau lưng có phải là dấu hiệu mang thai không?”. Cùng đi sâu vào bài viết để chúng ta có thể tìm hiểu rõ hơn về các triệu chứng, nguyên nhân, cách giảm đau và chữa trị tình trạng đau lưng khi mang thai như thế nào nhé!
Triệu chứng đau lưng khi mang thai
Tùy thuộc vào từng giai đoạn và quá trình mang thai mà bà bầu sẽ có những biểu hiện khác nhau. Cụ thể như sau:
Đau lưng khi mang thai tuần đầu
Những cơn đau lưng thỉnh thoảng xuất hiện với cường độ không quá dữ dội tập trung chủ yếu ở vùng lưng dưới. Đôi khi lưng trên của bà bầu cũng bị đau nhưng ở mức độ nhẹ.
Đau lưng khi mang thai 3 tháng đầu
Bà bầu đau lưng 3 tháng đầu, các cơn đau đớn sẽ xuất hiện dày đặc hơn so với khi mang thai tuần đầu. Những cơn đau nhức âm ỉ quanh vùng xương chậu, ngang thắt lưng. Tuy nhiên những cơn đau xảy ra với cường độ nhẹ, thường ê ẩm kèm theo nhức mỏi. Đặc biệt mẹ bầu sẽ cảm nhận được rõ ràng các triệu chứng này vào tuần thứ 18-24 của thai kỳ.
Đau lưng khi mang thai tháng thứ 4
Đây là tháng đầu của chu kỳ giữa thai kỳ, những cơn đau lưng có thể xuất hiện dày đặc hơn so với khi mang thai 3 tháng đầu. Những cơn đau thắt lưng có khả năng xuất hiện với cường độ lớn hơn.
Đau lưng khi mang thai tháng thứ 5, 6, 7, 8
Ở giai đoạn giữa thai kỳ và càng về những tháng cuối thai kỳ, cơn đau sẽ dần tăng mức độ và tần suất xuất hiện nhiều hơn. Xu hướng cơn đau cũng chuyển dịch sâu xuống vùng thắt lưng hông sát với xương chậu.
Đau lưng khi mang thai tháng cuối
Thai nhi đạt mức độ to lớn nhất vào tháng cuối của thai kỳ. Trọng lượng của thai sẽ tác động lớn đối với không chỉ vùng lưng mà có khi còn đau ê ẩm khắp mình mẩy. Đây là khoảng thời gian cực kỳ quan trọng để chuẩn bị cho việc ra đời của em bé, chính vì thế bà bầu cần kiêng vận động mạnh.
Những cơn đau lưng thường xuyên xuất hiện, đặc biệt là khi bà bầu hoạt động. Các cơn đau dữ dội có nguy cơ xuất hiện ở vùng thắt lưng là rất lớn và lặp lại nhiều lần. Trong khoảng thời gian nhạy cảm này, bà bầu sẽ cần nghỉ ngơi thường xuyên nhưng cũng cần xen kẽ những vận động nhẹ nhàng tránh nằm im một chỗ.
Nguyên nhân đau lưng khi mang thai
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau lưng khi mang thai, điển hình là do:
Trọng lượng cơ thể thay đổi
Mất kiểm soát cân nặng là tình trạng rất nhiều bà bầu gặp phải khi mang thai. Bởi xương khớp chưa kịp thích nghi với sự thay đổi bất ngờ của trọng lượng cơ thể. Các áp lực tới cùng xương cột sống thắt lưng sẽ tăng lên đáng kể và thường dẫn tới đau lưng.
Cơ chế tiết hormone
Trong quá trình mang thai, cơ thể người mẹ sẽ tiết ra nhiều chất hormone relaxin. Đây là cơ chế mặc định của cơ thể người phụ nữ khi mang thai. Loại hormone này sẽ giúp cho vùng khung chậu giãn nở tốt hơn để đỡ thai nhi và chuẩn bị cho sự sinh nở. Nhưng chính sự giãn nỡ này cũng khiến cho việc liên kết tới xương khớp lỏng lẻo hơn và thường gây ra đau lưng.
Tư thế đi đứng thay đổi
Thông thường trong quá trình mang thai, bà bầu thường phải thay đổi dáng đi đứng để thích nghi với sự phát triển của bào thai. Cột sống cũng bị tác động và có xu hướng cong về phía trước. Vì thế nên bà bầu khi đi đứng sẽ thường phải ngả người về phía sau để có thể giữ được thăng bằng nên vùng thắt lưng bị đau và nhức mỏi.
Stress, mệt mỏi
Với quá nhiều sự thay đổi về mặt sinh học trong cơ thể khi mang thai, bà bầu rất dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, cơ thể mệt mỏi. Nếu như không kiểm soát tốt cảm xúc của mình, bà bầu rất dễ rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực. Điều này không chỉ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi mà còn thúc đẩy nguy cơ gây ra đau nhức toàn thân và đau lưng.
Vị trí của thai nhi
Vị trí của thai nhi cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu. Vào những tháng cuối của thai kỳ, trọng lượng thai nhi sẽ đạt được ở mức tối đa, nếu thai nhi nằm lưng ngược với lưng mẹ thì sẽ càng làm tăng thêm áp lực lên vùng cột sống thắt lưng gây ra đau nhức dữ dội.
Động thai
Nếu như bà bầu bị đau lưng kèm theo các biểu hiện như ra máu đỏ tươi hoặc nâu, dịch tiết ra ở âm đạo không bình thường và đau bụng thì khả năng động thai rất lớn. Chính vì thế, nếu như phát hiện các triệu chứng trên ở bà bầu thì cần đưa đến cơ sở y tế để thăm khám.
Cách giảm đau lưng khi mang thai
Để hạn chế tình trạng đau lưng xảy ra khi mang thai, các mẹ bầu cần phải chú ý đến các tư thế đứng, ngồi và đi lại. Sau đây là một số cách giảm đau lưng khi mang thai hiệu quả:
- Ngủ đúng tư thế: bà bầu khi ngủ nên nằm nghiêng về một bên, sử dụng một chiếc gối mỏng để kẹp vào giữa hai chân. Có thể dùng thêm một chiếc gối mỏng nữa đặt ở dưới bụng để làm giảm áp lực cho xương cột sống.
- Dùng ghế ngồi êm ái, có tự lưng hơi uốn cong, khi ngồi mẹ bầu nên dùng một chiếc gối tựa.
- Đai lưng hỗ trợ: Một số thiết bị được thiết kế riêng như đai đeo thắt lưng để chống đau lưng cho bà bầu mà bạn có thể tham khảo sử dụng.
- Mẹ bầu không nên cúi người quá sâu và cần phải tránh hoạt động mạnh
- Đệm sử dụng không được quá mềm cung không được quá cứng và cần phải chắc chắn
- Không đi giày cao gót: Bà bầu nên lựa chọn các loại giày đế bằng và nhớ sử dụng thêm lót giày êm ái
- Bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết như magie, canxi từ các loại sữa, đậu, rau xanh. Tuy nhiên cũng nên cân đối các thực phẩm để tránh việc tăng cân quá mức.
- Chườm nóng và chườm lạnh sẽ giúp giảm đau lưng khi mang thai
- Trong trường hợp bà bầu bị đau lưng quá thì có thể sử dụng thuốc có tác dụng giảm đau nhức như Paracetamol hoặc cao dán giảm đau salonpas, tuy nhiên tuyệt đối không được lạm dụng.
Như vậy có thể thấy đau lưng có thể là dấu hiệu khi mang thai, cũng là biểu hiện thường gặp ở các mẹ bầu. Chính vì thế cần nắm được những cách giảm đau lưng khi mang thai an toàn, hiệu quả, không ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Mong rằng những thông tin được chia sẻ trong bài viết giúp các mẹ bầu khắc phục được tình trạng đau lưng khi mang thai hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm: Các trường hợp gây đau lưng ở phụ nữ