Hội chứng thắt lưng hông là vấn đề về xương khớp phổ biến ở nước ta, tỉ lệ người mắc hội chứng này chỉ đứng sau thoát vị đĩa đệm. Đây là chứng bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh, nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể kéo theo những biến chứng nguy hiểm.
Hội chứng thắt lưng hông là gì?
Tại khu vực cột sống thắt lưng của chúng ta, các rễ thần kinh tủy sống từ đốt sống lưng L1 tới đốt sống lưng L5 liên hệ với nhau rất chặt chẽ. Khi đĩa đệm hoặc cột sống vùng thắt lưng gặp thương tổn sẽ làm ảnh hưởng đến các rễ thần kinh, từ đó gây ra hội chứng thắt lưng hông. Hội chứng này còn được gọi với cái tên hội chứng rễ thần kinh thắt lưng cùng.
Hội chứng thắt lưng hông là một thương tổn kết hợp của hai hội chứng là hội chứng rễ thần kinh và hội chứng cột sống. Tình trạng bệnh lý này liên quan đến dây thần kinh tủy sống, rễ thần kinh ở khu vực thắt lưng và khu vực tủy cùng (đoạn cuối tủy sống).
Triệu chứng hội chứng thắt lưng hông điển hình
Khi mắc phải hội chứng thắt lưng hông, người bệnh thường có biểu hiện của những hội chứng kết hợp (hội chứng rễ thần kinh và hội chứng cột sống). Cụ thể:
Hội chứng cột sống
- Đau thắt lưng: Cơn đau có thể đột ngột, đau diễn ra từ từ hoặc đau do chấn thương. Đau thường chỉ diễn ra ở một vài đốt sống, đau âm ỉ hoặc dữ dội, khi ấn vào mỏm gai đốt sống, cảm giác đau chói sẽ xuất hiện ở những đốt sống có bệnh.
- Biến dạng cột sống: Đường cong sinh lý của cột sống bị biến đổi, giảm ưỡn hoặc mất ưỡn, cong vẹo cột sống hoặc bị gù.
- Hạn chế tầm vận động cột sống thắt lưng: Các động tác xoay, nghiêng cột sống, ngửa người, cúi người bị hạn chế.
Hội chứng rễ thần kinh
- Rễ thần kinh đi theo đường nào cơn đau sẽ chạy dọc theo đường đó. Cơn đau này nhức buốt như mưng mủ, mức độ đau tăng lên khi hắt hơi, ho, đứng, đi lại và giảm đi lúc nghỉ ngơi. Một số người đau ở bất kì tư thế nào.
- Tê bì chân tay, mất cảm giác, giảm khả năng di chuyển, sinh hoạt và lao động.
- Căng rễ dây thần kinh
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng thắt lưng hông
Các nguyên nhân gây ra hội chứng thắt lưng hông rất đa dạng và phức tạp. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất:
- Thoát vị đĩa đệm: Thoát vị đĩa đệm sẽ tạo ra áp lực gây viêm nhiễm và kích ứng rễ thần kinh, đặc biệt là thoát vị ở đốt sống L4, L5. Bao xơ quanh đĩa đệm có thể rách ra theo thời gian, khối nhân nhầy trong đĩa đệm thoát ra ngoài, chèn ép lên rễ thần kinh và gây ra cơn đau lưng, hông.
- Do lối sống, sinh hoạt thường ngày: Những người thường xuyên đứng hoặc ngồi làm việc trong thời gian dài mà không được thay đổi tư thế, thư giãn, nghỉ ngơi sẽ tạo áp lực lớn lên cột sống, đĩa đệm và làm chúng bị thương tổn.
- Do luyện tập thể dục thể thao quá mức, tập luyện, làm việc sai tư thế hoặc mang vác vật nặng khiến dây chằng, cơ và xương khớp vùng lưng bị tổn thương tại khu vực thắt lưng, hông.
- Ngoài ra, không ít trường hợp mắc phải hội chứng này do nhiễm trùng, chấn thương, thoái hóa đốt sống lưng, hẹp đốt sống, u đốt sống hoặc bẩm sinh.
Điều trị hội chứng thắt lưng hông
Nếu nhận thấy bản thân có các biểu hiện của hội chứng thắt lưng hông, bạn không nên chủ quan mà hãy tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp từ bác sĩ chuyên khoa. Dưới đây là những thông tin tham khảo về các biện pháp trị liệu thường được áp dụng.
Điều trị bằng thuốc
Các loại thuốc thường sử dụng đối với người mắc hội chứng thắt lưng hông bao gồm:
- Thuốc kháng viêm nhóm Corticosteroid
- Thuốc kháng viêm không steroid
- Glucosamin
- Thuốc Đông y
Lưu ý nên dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên quá phụ thuộc vào thuốc chống viêm, giảm đau. Bên cạnh đó, phương pháp điều trị bằng thuốc Đông y hiện nay cũng được rất nhiều người ưa chuộng. Khi muốn chữa trị bệnh theo phương pháp này, bạn cần tìm tới các cơ sở Đông y chất lượng, uy tín và không nên áp dụng cùng lúc cả Tây y và Đông y để tránh tình trạng suy gan hay rối loạn tiêu hóa.
Cải thiện cơn đau bằng cao dán
Ngày nay trên thị trường có khá nhiều loại cao dán lạnh giúp bạn cải thiện cơn đau nhức gây ra bởi chứng bệnh này. Việc sử dụng cao dán khá hiệu quả, an toàn và đem lại tác dụng giảm đau nhanh chỉ sau 2 đến 4 giờ sử dụng.
Massage kết hợp với xông hơi đá muối
Đây là phương pháp trị liệu hiệu quả, an toàn, được nhiều người áp dụng và yêu thích bởi nó không chỉ hỗ trợ cải thiện cơn đau mà còn giúp phòng tránh bệnh tật.
Tác dụng nhiệt lượng của đá muối sẽ giúp các ion thẩm thấu sâu vào bên trong cơ thể giúp cơ thể thải độc và giãn nở xương khớp. bên cạnh đó, liệu pháp massage còn giúp tăng cường tuần hoàn máu, giúp các tế bào xương hấp thụ tốt oxy, từ đó tăng độ chắc khỏe cho xương.
Xây dựng lối sống lành mạnh
Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp điều trị, bạn cũng nên tạo cho mình một thói quen sinh hoạt lành mạnh và một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý.
Hãy thay đổi các thói quen xấu gây ảnh hưởng đến xương khớp như nằm nhiều, ngồi nhiều, làm việc không đúng tư thế. Ngoài ra, cũng đừng quên bổ sung vào khẩu phần ăn các thực phẩm giàu vitamin D3 và canxi để giúp xương chắc khỏe. Nếu bạn đang gặp tình trạng thừa cân, béo phì, hãy tập luyện và kiểm soát lại cân nặng của mình để tránh gây áp lực quá lớn đến vùng cột sống.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, hội chứng thắt lưng hông còn xuất hiện ở nhiều người trẻ tuổi, nhất là người lái xe, nhân viên văn phòng do tính chất công việc. Mong rằng sau khi theo dõi bài viết, bạn sẽ không lơ là bất cứ biểu hiện bất thường nào để có thể phát hiện bệnh sớm và tìm ra biện pháp trị liệu hiệu quả, an toàn.