Barrett thực quản là một trong những biến chứng thường thấy ở người trào ngược dạ dày hay dịch mật. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến mô thực quản, làm gia tăng nguy cơ ung thư. Nguyên nhân của bệnh là gì? Triệu chứng, điều trị và phòng tránh ra sao? Bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!
Barrett thực quản là gì?
Barrett thực quản xảy ra khi lớp niêm mạc của ống nối giữa cuống họng và dạ dày bị ảnh hưởng bởi axit dịch vị trào ngược, dẫn đến hiện tượng lớp niêm mạc bị viêm đỏ và trở nên dày hơn bất thường. Tình trạng này có liên quan mật thiết với chứng trào ngược dạ dày thực quản, nhất là khi người bệnh trào ngược không có các biện pháp khắc phục kịp thời.
Theo các chuyên gia, tình trạng thay đổi của các tế bào lớp lót thực quản này tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hại đối với sức khỏe. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, các tế bào thực quản còn có thể phát triển thành ung thư, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm là rất quan trọng để giải quyết nguy cơ ung thư thực quản có thể xảy ra.
Nguyên nhân Barrett thực quản
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác của Barrett thực quản vẫn chưa được xác định. Các chuyên gia mới chỉ tìm ra được mối liên hệ giữa bệnh lý này và chứng trào ngược dạ dày. Ngay cả khi người bệnh không có bất kỳ triệu chứng điển hình nào của chứng trào ngược, axit dịch vị vẫn có thể trào lên phía trên thực quản, “thầm lặng” phá hủy lớp lót niêm mạc của bộ phận này.
Bên cạnh đó, có một số yếu tố được cho là khiến nguy cơ mắc Barrett thực quản tăng cao hơn bình thường. Chúng bao gồm:
- Bệnh sử gia đình: Những người có người thận mắc phải Barrett thực quản hoặc ung thư thực quản thường có tỷ lệ bị Barrett cao hơn, nhất là nếu người thân là cha mẹ hay anh chị em.
- Giới tính: So với phụ nữ, đàn ông là đối tượng dễ mắc phải Barrett hơn. Điều này được lý giải là do lối sống của nam giới thường tiếp xúc nhiều với thuốc lá và rượu bia hơn.
- Chủng tộc: Theo một số nghiên cứu lâm sàng, người da trắng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những chủng tộc khác.
- Bệnh trào ngược mãn tính: Những người mắc bệnh trào ngược mãn tính hoặc dùng thuốc điều trị lâu ngày không khỏi cũng có nguy cơ cao hơn bình thường.
- Tuổi tác: Người tuổi càng cao càng có nguy cơ cao. Theo đó, Barrett thực quản thường xảy ra ở những đối tượng ngoài 50 tuổi.
Triệu chứng Barrett thực quản
Do Barrett thực quản có mối liên hệ với trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng sau đây:
- Cảm giác nóng ran bao phủ lấy lồng ngực: Khi axit di chuyển lên phía trên thực quản, người bệnh có thể cảm thấy tình trạng nóng ran bao phủ lấy lồng ngực khá khó chịu.
- Thường xuyên ợ chua và có cảm giác ghê cổ: Lớp lót thực quản bị tổn thương bởi axit dịch vị gây ra hiện tượng ợ chua liên tục, kèm theo đó là cảm giác ghê cổ ở người bệnh. Tình trạng này càng trở nên tồi tệ hơn nếu người bệnh ăn các loại thực phẩm có tính axit cao như cam, bưởi, chanh,…
- Khó nuốt thức ăn hơn: Do lớp niêm mạc thực quản dần trở nên dày hơn, người bệnh có thể bị khó nuốt thức ăn. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, triệu chứng này không quá phổ biến.
Lưu ý: Có các trường hợp không hề nhận thấy dấu hiệu bất thường nào, ngay cả khi đó là triệu chứng có liên quan đến chứng trào ngược. Vì vậy, người bệnh chỉ có thể phát hiện bản thân bị Barrett khi đi khám tổng quát tình hình sức khỏe hệ tiêu hóa. Cũng có không ít trường hợp gặp phải các triệu chứng ở mức độ nghiêm trọng hơn, gồm có:
- Đau vùng ngực, cơn đau có thể tập trung tại ngực trái gần vị trí của tim.
- Nôn mửa thường xuyên, trong dịch nôn có thể lẫn cả máu tươi.
- Đi ngoài ra phân có màu đen hoặc có lẫn máu.
- Giảm cân nhanh chóng một cách bất thường.
Barrett thực quản có nguy hiểm không?
Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của Barrett thực quản là ung thư thực quản. Tình trạng này xảy ra khi các tế bào niêm mạc thực quản tiếp xúc quá lâu với axit dịch vị dạ dày và trở nên biến chất. Chúng phát triển và phân chia nhiều hơn, hình thành nên các khối u ác tính.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ, nguy cơ bệnh phát triển thành ung thư không chiếm tỷ lệ cao, ngay cả khi bệnh nhân đang bị loạn sản (giai đoạn tiền ung thư). Bên cạnh biến chứng nguy hiểm này, Barrett thực quản có thể gây ra một số ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày của người bệnh do các triệu chứng kéo dài dai dẳng.
Điều trị Barrett thực quản
Điều trị Barrett thực quản có mục đích chính là giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu của chứng trào ngược, từ đó có thể bảo vệ lớp lót thực quản bởi sự tấn công của axit dịch vị.
Các biện pháp điều trị thường được sử dụng gồm có:
Thuốc giảm triệu chứng của trào ngược dạ dày
Các loại thuốc gồm chất ức chế H2, chất ức chế bơm proton và thuốc trung hòa axit dạ dày có thể được sử dụng để cải thiện triệu chứng.
- Chất ức chế H2: Các loại chất ức chế histamin H2 phổ biến gồm Zantac, Pepcid, Tagamet,… Những loại thuốc này giúp làm giảm quá trình sản xuất thụ thể histamin H2, nhờ đó mà các triệu chứng như ợ nóng, khó tiêu, buồn nôn do trào ngược thuyên giảm đáng kể.
- Chất ức chế bơm PPI: Các chất ức chế bơm PPI thường được sử dụng trong trị chứng trào ngược là Lansoprazole, Omeprazole và Esomeprazole. Loại thuốc này hoạt động bằng cách ức chế dạ dày giảm sản xuất axit dịch vị, điều này có phép các mô thực quản tổn thương có đủ thời gian để phục hồi. Bên cạnh đó, các triệu chứng ợ nóng, khó nuốt thức ăn, nóng rát lồng ngực cũng giảm đi.
- Thuốc trung hòa axit dịch vị: Đây là nhóm thuốc không cần đơn kê. Còn được biết đến với tên gọi antacid. Khi người bệnh sử dụng loại thuốc này, quá trình sản xuất axit dịch vị trong bao tử sẽ giảm đi đáng kể, nhờ vậy mà không có axit dư thừa trào ngược lên trên thực quản. Thông qua tác dụng của thuốc, các tình trạng khó chịu mà người bệnh phải chịu đựng được cải thiện tích cực hơn.
Trong thời gian dùng thuốc, người bệnh cũng cần nội soi thực quản định kỳ để phòng tránh nguy cơ loạn sản.
Phẫu thuật
Trong trường hợp bệnh nhân có nguy cơ phát triển thành ung thư, các bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ những tế bào đã bị tổn thương. Thủ tục này gồm có hai loại, một là phẫu thuật nội soi, loại còn lại là phẫu thuật áp lạnh cryotherapy.
Phòng ngừa Barrett thực quản
Để phòng ngừa Barrett thực quản, mọi người cần:
- Ăn uống điều độ và hợp lý, tránh xa các loại đồ ăn chiên rán cũng như các loại thức uống công nghiệp chứa nhiều hóa chất.
- Ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa hay sử dụng các loại thức ăn nhanh quá nhiều.
- Thường xuyên dành thời gian để cơ thể nghỉ ngơi, thư giãn và giải tỏa stress.
- Tích cực tập luyện thể dục thể thao, nhất là những bộ môn tốt cho sức khỏe hệ tiêu hóa như bơi lội và yoga.
- Không hút thuốc lá, lạm dụng các chất kích thích hoặc sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn như rượu, bia, cocktail,…
Barrett thực quản là một trong các bệnh về hệ tiêu hóa có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe. Việc phát hiện sớm giúp người bệnh phòng tránh được nguy cơ ung thư cũng như tăng tỷ lệ hồi phục. Chính vì vậy, khi phát hiện các triệu chứng bất thường, bệnh nhân nên đặt lịch thăm khám ngay.
Xem thêm:
- Trào ngược dịch mật dạ dày là gì? Biến chứng nguy hiểm và cách điều trị
-
Đau thượng vị là gì? Dấu hiệu nhận biết và có chữa khỏi không?