Trật khớp vai gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả lao động, chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bởi khớp vai là một trong những khớp chi phối nhiều cử động nhất trên cơ thể. Hầu hết các hoạt động thường ngày của tay đều phụ thuộc vào khớp này. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, có chữa khỏi không, cách chữa trật khớp vai như thế nào ngay sau đây nhé!
Nguyên nhân trật khớp vai
Mỗi ngày khớp vai phải thực hiện khối lượng công việc lớn với cường độ cao nên trật khớp vai là chấn thương khó tránh khỏi và rất phổ biến. Tình trạng này thường xảy ra ở người trẻ, đặc biệt là những người thường xuyên lao động nặng hoặc luyện tập thể dục thể thao quá độ.
Theo chia sẻ của các bác sĩ chuyên khoa, trật khớp vai có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là những nguyên nhân sau:
- Tai nạn
Bao gồm cả tai nạn lao động, tai nạn nghề nghiệp và tai nạn giao thông. Người bệnh bị ngã xe khi đang tham gia giao thông hoặc bưng bê, mang vác vật nặng trên cao. Trong quá trình này khớp vai dễ bị tổn thương và nếu có sự tác động mạnh từ bên ngoài sẽ dẫn đến trật khớp.
- Chấn thương khi luyện tập thể dục thể thao
Trong thể thao có rất nhiều bộ môn yêu cầu kỹ thuật cao, mang tính đối kháng dễ bị chấn thương như trượt tuyết, bóng chuyền, bóng đá, chơi khúc côn cầu,… Trong quá trình thi đấu hoặc tập luyện, nếu không thực hiện đúng cách hoặc luyện tập quá sức nguy cơ trật khớp vai là rất lớn.
- Bị ngã trong khi di chuyển
Trong hoạt động thường ngày chúng ta có thể bị vấp ngã, trượt nền gạch hoa hoặc ngã cầu thang. Điều này sẽ khiến khớp vai gặp áp lực lớn và dẫn đến trật khớp.
Triệu chứng trật khớp vai
Hầu hết các hoạt động thường ngày của chúng ta đều cần đến sự cử động của khớp vai. Vì vậy, tình trạng trật khớp vai rất dễ được nhận biết thông qua các triệu chứng sau:
- Xuất hiện cơn đau vai trái, phải bất thường làm giảm biên độ vận động của khớp. Trong trường hợp trật khớp mức độ nặng có thể khiến người bệnh mất khả năng vận động khớp
- Cánh tay bị lệch khoảng 30 đến 40 độ ra bên ngoài
- Các khối cơ vùng bắp vai co thắt mạnh gây ra những cơn đau dữ dội ở bả vai lan xuống cánh tay
- Hình thái của vùng vai gáy và cánh tay bị biến dạng, lệch lạc so với bên vai còn lại
- Ở vùng vai và cánh tay bị sưng nề, xuất hiện các vết bầm tím
- Người bệnh có cảm tác tê yếu chi, không thể cử động bình thường
Trật khớp vai có tự khỏi không, bao lâu thì khỏi?
Trật khớp vai là tổn thương khớp làm ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng vận động của cánh tay. Bệnh không thể tự khỏi nếu không có phương pháp điều trị đúng đắn.
Về thời gian hồi phục, bác sĩ cần căn cứ vào vị trí trật khớp và mức độ chấn thương mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác cho vấn đề “trật khớp vai bao lâu thì khỏi”.
Ngoài ra, thời gian hồi phục tổn thương ở khớp vai còn tùy thuộc vào một số yếu tố như:
- Thời điểm được phát hiện bệnh và phương pháp điều trị. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì tổn thương khớp sớm được hồi phục và ngược lại
- Thái độ của người bệnh trong quá trình chữa bệnh. Nếu tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị bác sĩ đưa ra, kiêng cữ hợp lý và có chế độ dinh dưỡng khoa học thì thời gian hồi phục sẽ được rút ngắn đáng kể.
Thông thường, người bệnh sẽ mất khoảng 12 – 16 tuần để khớp bị tổn thương có thể hồi phục hoàn toàn. Sau khoảng 3 tháng điều trị, người bệnh có thể bắt đầu vận động khớp một cách nhẹ nhàng với cường độ vừa phải. Những tuần sau đó, biên độ vận động sẽ được cải thiện hơn và bạn có thể sinh hoạt làm việc bình thường.
Tuy nhiên, nếu hiện tượng trật khớp vai kèm theo gãy xương thì cần nắn chỉnh xương. Sau đó người bệnh phải đeo đai cố định để hạn chế cử động khớp. Thời gian hồi phục có thể cần đến khoảng nửa năm.
Trật khớp vai phải làm sao?
Khi bị trật khớp vai, người bệnh cần dừng các hoạt động đang làm để nghỉ ngơi tại chỗ. Sau khi sức khỏe và tinh thần được ổn định trở lại thì người bệnh cần tìm đến cơ sở y tế hoặc nhờ người thân, đồng nghiệp, bạn bè đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để được khắc phục kịp thời.
Một số biện pháp điều trị có thể được thực hiện với người bị trật khớp vai là:
Nắn lại khớp vai
Bác sĩ sẽ thực hiện một số kỹ thuật nhẹ nhàng và phù hợp để nắn chỉnh khớp trở về vị trí ban đầu. Người bệnh có thể được sử dụng thêm một số loại thuốc an thần hoặc thuốc giãn cơ để giúp quá trình nắn khớp thuận lợi và hạn chế cảm giác đau cho người bệnh.
Cố định khớp
Bác sĩ sẽ sử dụng thanh nẹp y tế hoặc đeo băng khớp để cố định khớp vai trong một vài ngày hay vài tuần để khớp dần dịch chuyển trở về vị trí ban đầu.
Sử dụng thuốc Tây
Để điều trị và phục hồi tổn thương khớp vai, người bệnh sẽ được sử dụng một số loại thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, thuốc chống viêm… để giảm đau. Mang lại cảm giác thoải mái hơn cho người bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc Tây cần thực hiện nghiêm túc theo phác đồ và hướng dẫn của bác sĩ để tránh gặp phải những tác dụng phụ nguy hiểm.
Phẫu thuật
Nếu khớp vai và hệ thống dây chằng vai bị yếu hơn bình thường, có nguy cơ trật khớp tái diễn thì bác sĩ sẽ tư vấn người bệnh điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Phẫu thuật là giải pháp hồi phục tổn thương khớp vai khá hiệu quả, giúp tăng cường sự linh hoạt cho khớp sau khi thực hiện. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của ca phẫu thuật còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bên cạnh đó, chi phí thực hiện cũng khá tốn kém.
Phục hồi chức năng khớp
Sau khi được tháo nẹp cố định khớp, bác sĩ vật lý trị liệu sẽ tư vấn người bệnh thực hiện một số bài tập nằm trong chương trình phục hồi chức năng. Các bài tập giúp củng cố sức mạnh cơ bắp và hệ thống dây chằng quanh khớp vai. Giúp khớp vai dẻo dai, săn chắc và cử động linh hoạt hơn. Tuy nhiên, nếu người bệnh không có kế hoạch kiêng cữ cẩn thận và lao động nặng quá sớm thì nguy cơ trật khớp vẫn có thể xảy ra
Trên đây là một số thông tin về chấn thương trật khớp vai thường gặp trong quá trình sinh hoạt. Hy vọng với những kiến thức được chia sẻ đã giúp mọi người biết cách chăm sóc và xử lý chấn thương hiệu quả và an toàn hơn. Chúc sức khỏe!
>> Tin liên quan: Hội chứng cổ vai cánh tay là gì? Biểu hiện và cách điều trị