Xẹp đĩa đệm là một bệnh lý về xương cột sống, thường xảy ra ở vị trí L4 L5 S1. Bệnh có thể làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người mắc và gây nên những biến chứng nguy hiểm. Hãy tìm hiểu thông tin qua bài viết dưới đây để biết đây là bệnh gì? Dấu hiệu ra sao và điều trị như thế nào?
Xẹp đĩa đệm L4 L5 S1 là gì?
Xẹp đĩa đệm là một hiện tượng suy giảm chức năng của đĩa đệm khi mà hàm lượng nước trong nhân nhầy của đĩa đệm bị hao hụt, điều này làm cho đĩa đệm bị xẹp xuống, giảm hoặc thậm chí là mất tính đàn hồi. Tình trạng này xảy ra sẽ có tác động xấu đến khả năng vận động của cột sống, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến liệt hoặc tàn phế cả đời. Đĩa đệm thường dễ xảy ra tình trạng này là L4 L5 và S1.
Theo chia sẻ của các chuyên gia: Xẹp đĩa đệm đa phần sẽ phát triển thông qua 3 giai đoạn, bao gồm:
- Giai đoạn thứ nhất: Đĩa đệm bắt đầu có dấu hiệu lỏng lẻo, thể tích nước dường như bắt đầu mất đi, các đốt xương đang dần thu hẹp khoảng cách, nhưng nhìn chung, đĩa đệm vẫn chưa bị thoái hóa. Trong giai đoạn này, điều trị vẫn còn dễ và tỉ lệ phục hồi chức năng cho đĩa đệm là cao. Nếu điều trị đúng phương pháp, cột sống trong giai đoạn này có thể sẽ hồi phục như lúc bình thường.
- Giai đoạn thứ hai: Đĩa đệm dường như đã mất rất nhiều nước, tình trạng xẹp ngày càng nặng thêm, các đốt xương có dấu hiệu liền lại với nhau. Trong giai đoạn này, các bệnh lý về xương khớp thường xuất hiện và khó điều trị hơn.
- Giai đoạn thứ ba: Ở giai đoạn này, các đốt xương hầu như đã dính chặt với nhau, đĩa đệm xẹp hoàn toàn. Chữa trị trong giai đoạn này là rất khó khăn và dường như là không thể trị khỏi hoàn toàn được.
Dấu hiệu xẹp đĩa đệm
Dấu hiệu của bệnh lý này được hiển thị qua những giai đoạn của người bệnh. Trong những giai đoạn đầu, có thể dấu hiệu còn mờ nhạt và chưa rõ ràng. Càng về những giai đoạn cuối, dấu hiệu càng trở nên rõ hơn. Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể nghi ngờ và phát hiện bệnh lý thông qua một số triệu chứng sớm của bệnh như:
Đau và nhức
Tính chất cơn đau trong bệnh lý này là các cơn đau âm ỉ, tăng dần theo diễn tiến giai đoạn của người bệnh. Vị trí thường đau là ở vùng cổ hay thắt lưng. Cơn đau xảy ra nhiều khi người bệnh di chuyển, vận động đột ngột, làm việc nặng, đặc biệt cơn đau thường xuất hiện nhiều nhất khi về đêm hoặc gần sáng. Sau một thời gian, cơn đau có thể lan xuống vai, tay hoặc vùng hông, bắp đùi, mông,…..
Khớp mất linh hoạt
Người bệnh sẽ gặp phải tình trạng khó khăn khi vận động, đa số là vào buổi sáng, người bệnh luôn phải cần một khoảng thời gian để đứng lên sau khi thức dậy.
Nếu người bệnh không kịp thời thăm khám và điều trị sớm khi có những dấu hiệu này, tình trạng bệnh có thể sẽ diễn tiến nặng hơn. Các đốt cột sống có thể dính chặt lại với nhau, làm độ ma sát tăng lên và cơn đau nhiều khi di chuyển, vận động khó khăn và có thể làm cho cột sống bị biến dạng.
Nguyên nhân xẹp đĩa đệm
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xẹp đĩa đệm có thể bắt nguồn từ nội sinh lẫn ngoại sinh, cụ thể như sau:
Tuổi tác
Đối với những người cao tuổi, cơ thể bắt đầu quá trình lão hóa và làm tổn thương đến một số cơ quan của cơ thể, trong đó bao gồm cả đĩa đệm. Lúc này, đĩa đệm bị mất đi một lượng nước, thể tích nhân nhầy bị giảm đi, độ đàn hồi cũng vì thế mà bị suy giảm. Kèm với quá trình đó chính là áp lực của các đĩa đệm trong thời gian dài, khiến cho đĩa đệm bắt đầu xẹp xuống.
Tính chất công việc
Các công việc bắt buộc phải ngồi hoặc giữ lâu một tư thế như nhân viên văn phòng, công nhân trong dây chuyền sản xuất,…. Sẽ khiến cho đĩa đệm phải chịu một lực ép lớn trong thời gian dài liên tục, lâu dần, tình trạng này sẽ khiến cho đĩa đệm bị xẹp đi và ảnh hưởng đến cột sống.
Ngoài ra, tình trạng xẹp đĩa đệm cũng có khả năng cao xảy ra đối với những công việc có tính chất nặng nhọc như khuân vác hàng hóa nặng, làm việc tại công trường,….
Tai nạn có ảnh hưởng đến cột sống
Các tai nạn trong khi làm việc hoặc tai nạn giao thông có tác động đến vùng lưng, cột sống đều có thể dẫn đến một số bệnh lý của cột sống, trong đó bao hàm cả tổn hại đến đĩa đệm. Những tổn hại đến địa đệm, tùy theo mức độ chính là nguyên nhân dễ gây ra tình trạng xẹp đĩa đệm.
Các bệnh lý về xương, khớp
Thoái hóa cột sống và loãng xương là hai trong số các căn bệnh về xương khớp có khả năng làm cho đĩa đệm bị xẹp cao nhất.
Nguyên do là vì, khi bắt đầu đến một độ tuổi nhất định, cơ thể sẽ mắc phải một trong hai căn bệnh trên, điều đó dẫn đến việc lượng hormone cần thiết cho quá trình tạo và tái tạo xương bắt đầu bị rối loạn. Lúc này, chỉ cần một tác tai nạn nhỏ cũng có thể làm cho các đốt xương bị lệch, chèn ép lên các đĩa đệm nhiều hơn và dẫn tới tình trạng các đĩa đệm bị xẹp.
Béo phì
Trọng lượng nặng ở người bị béo phì sẽ ảnh hưởng nhiều đến xương cột sống. Việc trọng lượng cơ thể gây ra áp lực cho các đốt sống sẽ làm cho các đĩa đệm bị tổn hại và dẫn đến bệnh xẹp đĩa đệm.
Chữa xẹp đĩa đệm cột sống
Đối với người bệnh xẹp đĩa đệm, tùy theo tình trạng bệnh mà ta có thể áp dụng các phương pháp chữa trị sau:
Điều trị bằng thuốc tây y
Các loại thuốc dùng cho việc chữa trị xẹp đĩa đệm có thể liệt kê những nhóm sau:
- Nhóm thuốc giảm đau thông thường: Acetaminophen hay paracetamol được dùng để cắt các cơn đau cho người bệnh.
- Nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Aspirin, Ibuprofen, Meloxicam… Những loại thuốc này được chỉ định với công dụng chống viêm nhiễm cho người bệnh, tránh tình trạng bệnh nặng thêm.
- Nhóm thuốc giãn cơ: Eperisone, Carisoprodol, Cyclobenzaprine,… Sử dụng thuốc giãn cơ với tác dụng giảm co thắt cơ vùng đĩa đệm bị tổn thương, có hiệu quả trong việc giảm các cơn đau.
- Nhóm thuốc hỗ trợ xương khớp: Bisphosphonate là nhóm thuốc thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định cho người bệnh loãng xương và hỗ trợ các bệnh lý về xương khớp.
Tuy nhiên, người bệnh cần phải lưu ý một vài điều sau: Thuốc tây y tuy có hiệu quả cao nhưng chứa nhiều tác dụng phụ, người bệnh cần phải được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chỉ định sử dụng. Không tự ý hoặc tùy tiện sử dụng thuốc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ, đặc biệt là phụ nữ có thai, đang cho con bú, trẻ em dưới 6 tuổi, một số người dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc.
Điều trị bằng vật lý trị liệu
Tập vật lý trị liệu có những tác dụng nhất định và tốt cho người bị xẹp đĩa đệm và đây cũng là phương pháp điều trị cho những người bị xẹp đĩa đệm giai đoạn đầu, khi mới phát hiện bệnh. Đối với những người bệnh ở những giai đoạn sau, đây là phương pháp hỗ trợ điều trị cũng như giảm đau cho người bệnh.
Tuy nhiên, với phương pháp này, người bệnh cần kiên trì và thực hiện đúng theo định kỳ hoặc lịch hẹn của thầy thuốc để đảm bảo hiệu quả chữa trị.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng và chỉ thực hiện khi các bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả cần phải phẫu thuật để tránh các biến chứng nguy hiểm khác.
Có thể bạn quan tâm:
- Thoát vị đĩa đệm nên ăn gì? Kiêng những loại thực phẩm nào
- Phình lồi đĩa đệm là gì? Nguyên nhân, cách chữa phồng đĩa đệm
- Hội chứng đuôi ngựa là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị
Nội dung trên đây cũng chính là các thông tin liên quan chủ đề bệnh xẹp đĩa đệm. Hy vọng từ những thông tin hữu ích và thiết thực này sẽ giúp cho các bạn có được am hiểu về bệnh lý này và chăm sóc tốt sức khỏe bản thân.