Trào ngược dịch mật dạ dày là một trong những vấn đề sức khỏe ở hệ tiêu hóa khá phổ biến. Bệnh có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến khả năng hấp thụ thức ăn cũng như cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này? Cách xử lý hiệu quả nhất là gì? Bạn đọc hãy dành thời gian cùng bài viết sau đây tìm hiểu nhé!
Trào ngược dịch mật dạ dày là gì?
Dịch mật là một loại chất lỏng được gan của chúng ta tiết ra nhằm phục vụ cho quá trình tiêu hóa thức ăn, đào thải độc tố và các tế bào hồng cầu đã chết ra khỏi cơ thể. Thông thường, dịch mật được tích trữ bên trong túi mật, sau đó được đưa đến tá tràng để làm nhiệm vụ phân ra các chất dinh dưỡng trong thực phẩm để cơ thể hấp thu.
Trào ngược dịch mật dạ dày xảy ra khi dịch mật không đi đến tá tràng mà thay vào đó xâm nhập vào bên trong bao tử. Trong một số trường hợp, dịch mật thậm chí còn trào ngược lên cả thực quản và hầu họng. Các bác sĩ nhận định tình trạng này có thể diễn ra cùng lúc với chứng trào ngược GERD, khiến nguy cơ viêm mô thực quản tăng cao.
Trào ngược dịch mật có thể gặp ở mọi người, không phân biệt độ tuổi hay giới tính. Tình trạng này không thể khắc phục bằng cách thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày như trào ngược dạ dày thực quản. Thay vào đó, người bệnh phải nhờ đến sự giúp đỡ của một số loại thuốc đặc trị cũng như can thiệp phẫu thuật trong những trường hợp ở mức độ nặng.
Triệu chứng trào ngược dịch mật dạ dày
Theo các chuyên gia, triệu chứng của bệnh trào ngược dịch mật dạ dày thường dễ bị nhầm lẫn với chứng trào ngược GERD. Chính vì vậy, ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường đầu tiên, bệnh nhân nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các biểu hiện thường thấy ở người trào ngược dịch mật bao tử có thể kể đến là:
Cảm giác đau khó chịu xuất hiện ở vùng bụng trên
Do dịch mật trào ngược vào dạ dày, người bệnh rất dễ gặp phải tình trạng đau đớn tập trung ở vùng bụng trên, nhất là khu vực ngay dưới thượng vị. Ban đầu, cơn đau có thể xuất hiện chớp nhoáng với cảm giác âm ỉ, râm ran. Nhưng càng về sau, mức độ đau càng tăng, khiến người bệnh cảm thấy quặn thắt như chuột rút.
Ợ nóng
Hầu hết các chứng bệnh liên quan đến trào ngược đều xuất hiện tình trạng ợ nóng và trào ngược dịch mật cũng không ngoại lệ. Nguyên nhân là vì lúc này quá trình tiêu hóa thức ăn bị cản trở, khiến thức ăn tích lại trong dạ dày, lên men và tạo ra khí axit. Người bệnh ngoài ợ nóng còn kèm theo cảm giác nóng rát lồng ngực, miệng có vị chua rất khó chịu.
Nôn mửa ra dịch màu vàng nhạt
Ở một số người bệnh trào ngược dịch mật dạ dày còn xuất hiện cả tình trạng nôn mửa ra dịch lỏng màu vàng nhạt. Chất dịch lỏng này chính là dịch mật trào ngược vào bên trong dạ dày.
Các triệu chứng khác
Bên cạnh các dấu hiệu phổ biến nêu trên, người bệnh còn có thể bị buồn nôn, sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân, ho khan, giọng khàn đặc,…
Nguyên nhân trào ngược dịch mật dạ dày
Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trào ngược dịch mật dạ dày chính là rối loạn chức năng van môn vị. Sau khi thức ăn đã nghiền nhỏ được trộn lẫn với dịch mật ở tá tràng, van môn vị nằm ở gần cuối dạ dày sẽ mở ra để đưa lượng thức ăn này đến ruột non. Tuy nhiên, nếu van môn vị bị rối loạn chức năng và không đóng lại kịp lúc, dịch mật sẽ theo đó chảy ngược lại vào bên trong dạ dày.
Không những vậy, các yếu tố khiến nguy cơ trào ngược dịch mật bao tử gia tăng có thể kể đến là:
- Phẫu thuật dạ dày: Các loại phẫu thuật bao tử như cắt bỏ hay nối tắt có thể để lại một số di chứng, biến chứng đối với người bệnh. Một trong số đó là chứng trào ngược dịch mật.
- Phẫu thuật loại bỏ túi mật: Theo các chuyên gia, hiện tượng trào ngược dịch mật có nguy cơ xảy ra cao hơn ở những người đã làm thủ tục cắt bỏ túi mật. Điều này khiến dịch mật sản xuất ra không có chỗ dự trữ và dễ bị chảy ngược vào trong dạ dày.
Biến chứng trào ngược dịch mật
Trào ngược dịch mật dạ dày có thể gây ra một số các biến chứng sau đây:
- Trào ngược dạ dày thực quản: Người bệnh bị trào ngược dịch mật cũng rất dễ bị cả chứng trào ngược GERD. Đây là tình trạng dịch vị dạ dày chảy ngược lên phía trên thực quản, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Biến chứng này cũng có thể kéo theo vấn đề viêm mô thực quản ở người bệnh.
- Hội chứng Barrett: Barrett thực quản là tình trạng các tế bào mô thực quản bị biến đổi về cấu trúc và màu sắc, xảy ra khi vùng thực quản phải tiếp xúc thường xuyên với chất dịch mật. Các tế bào mô thực quản sau đó rất dễ rơi vào tình trạng viêm sưng. Nghiêm trọng hơn, hiện tượng biến chất này còn có thể kéo theo cả nguy cơ ung thư thực quản.
- Ung thư dạ dày: Dù hiện tại chưa có nhiều bằng chứng chứng minh mối liên hệ giữa trào ngược dịch mật dạ dày và ung thư bao tử, nhiều chuyên gia vẫn nhận định rằng tình trạng này làm gia tăng nguy cơ ung thư ở bệnh nhân. Lý do được đưa ra là vì chất dịch mật khiến các tế bào lớp lót dạ dày bị biến đổi, trở nên ác tính và phân chia không theo một quy luật nào.
Điều trị trào ngược dịch mật dạ dày
Việc điều trị trào ngược dịch mật dạ dày còn phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau, ví dụ như mức độ nghiêm trọng, tình trạng hiện tại của dạ dày, biến chứng đã xảy ra hay chưa,… Hiện nay, có hai phương pháp được sử dụng phổ biến nhất, đó là:
Điều trị bảo tồn
Đối với điều trị bảo tồn, các bác sĩ thường kê đơn cho bệnh nhân những loại thuốc sau:
- Chất ức chế bơm PPI: Loại thuốc này không thể điều trị tận gốc vấn đề nhưng có thể cải thiện một số triệu chứng khó chịu như đau bụng hay ợ nóng. Thuốc giúp hạn chế dịch vị axit dạ dày tiết ra, thường được dùng trong trường hợp người bệnh còn gặp phải chứng trào ngược GERD.
- Thuốc ức chế dịch mật: Loại thuốc này hoạt động với nguyên lý làm gián đoạn quá trình lưu thông của dịch mật đến tá tràng. Tuy nhiên, hiệu quả của liệu pháp này không được đánh giá cao do nó dễ gây ra tác dụng phụ, ví dụ như chướng bụng, đầy hơi.
- Thuốc axit ursodeoxycholic: Loại thuốc này cũng được dùng để làm giảm các triệu chứng ở người bệnh. Thuốc hoạt động với nguyên lý thúc đẩy lưu lượng mật ở tá tràng và túi mật.
Phẫu thuật
Trong trường hợp các loại thuốc không mang lại hiệu quả hoặc người bệnh có mức độ tổn thương nghiêm trọng hơn, phẫu thuật được coi là lựa chọn hàng đầu. Phẫu thuật giúp loại bỏ triệu chứng và dẫn xuất lượng dịch mật thừa ra khỏi dạ dày. Tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân mà loại phẫu thuật sẽ được bác sĩ chỉ định. Hiện nay có 2 phương pháp áp dụng phổ biến nhất là phẫu thuật chống trào ngược và Roux-en-Y.
Phòng ngừa trào ngược dịch mật dạ dày
Để phòng tránh trào ngược dịch mật dạ dày, mọi người nên:
- Ăn uống điều độ, hợp lý và đảm bảo sự cân bằng. Tránh ăn quá nhiều chất béo, tinh bột và đường. Thay vào đó, mọi người nên tăng cường rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và thịt cá.
- Ăn đủ ba bữa mỗi ngày, hạn chế tối đa việc bỏ bữa, nhất là với bữa sáng.
- Tăng cường luyện tập thể dục thể thao, cố gắng dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để vận động và rèn luyện cơ thể.
- Loại bỏ các thói quen xấu như thức khuya, dùng các thiết bị điện tử trước khi ngủ, hút thuốc lá, uống rượu bia,…
Trào ngược dịch mật dạ dày là một tình trạng tiềm ẩn nhiều mối nguy hại đối với sức khỏe và cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, mọi người không nên chủ quan và để bệnh kéo dài không điều trị. Ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, hãy đi khám để được chẩn đoán và xử lý kịp thời nhé!
Xem thêm: Đau thượng vị là bệnh gì? Cách chữa trị hiệu quả nhất