Loét bờ cong nhỏ dạ dày là một trong những bệnh lý phổ biến ở dạ dày, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về căn bệnh này. Ở bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những thông tin cơ bản và cần thiết về chứng bệnh này như đây là bệnh gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị….
Giải phẫu bờ cong nhỏ dạ dày
Vị trí của dạ dày là ở giữa tá tràng và thực quản, trong ổ bụng. Các bộ phận, cơ quan có vị trí gần với dạ dày bao gồm: Vòm hoành trái và thực quản (ở phía trên); túi mật, cơ hoành, thành bụng trước và thùy trái của gan (ở phía trước); thận trái, lách, tuyến tụy (ở phía sau).
Dạ dày có dạng túi và gần giống hình chữ “J”. Vì đặc điểm này mà hai bên của nó có hình dạng cong và được gọi là hai bờ cong. Nằm ngay trung tâm của thượng vị và lõm vào là bờ cong nhỏ với kích thước ngắn hơn.
Loét bờ cong nhỏ dạ dày chính là vấn đề xảy ra ở bờ cong nhỏ. Bờ còn lại có dạng lồi ra và đường cong dài hơn là bờ cong lớn của dạ dày. Bên trong dạ dày gồm có tâm vị, đáy vị, thân vị, hang vị và môn vị nằm nối tiếp nhau.
Loét bờ cong nhỏ dạ dày là gì?
Loét bờ cong nhỏ dạ dày là tình trạng trên niêm mạc thuộc bờ cong nhỏ xuất hiện các vết loét. Tâm vị và môn vị là hai vị trí trên bờ cong nhỏ dễ bắt gặp viêm loét hơn các khu vực khác. Thực tế, sự xuất hiện của viêm loét ở bờ cong nhỏ dạ dày xảy ra nhiều hơn so với bờ cong lớn.
- Nguyên nhân thứ nhất là vì vì khi thức ăn được đưa xuống dạ dày chúng sẽ tiếp xúc nhiều hơn với bờ cong nhỏ, nhất là ở tâm vị và môn vị. Điều này có nghĩa là quá trình tiết axit và hoạt động co bóp giúp tiêu hóa thức ăn diễn ra ở những vị trí này nhiều hơn nên dễ gây viêm loét.
- Nguyên nhân thứ hai là do các phần này của dạ dày được nghỉ ngơi ít hơn, điều này hạn chế khả năng phục hồi các vết viêm.
Nguyên nhân loét bờ cong nhỏ dạ dày
Do đặc điểm liên quan đến vị trí đã nêu ở phần trên mà bờ cong nhỏ dạ dày dễ bị viêm loét hơn. Nguyên nhân chung dẫn đến loét bờ cong nhỏ dạ dày là do các yếu tố ảnh hưởng xấu tới chức năng bảo vệ của hàng rào lót chất nhầy, từ đó khiến axit tràn vào làm niêm mạc dạ dày bị tổn thương dần dẫn đến viêm. Niêm mạc bị viêm không thể phục hồi kéo dài sẽ dẫn đến loét.
Nguy cơ dạ dày bị viêm có thể tăng cao bởi các tác nhân như: Nhiễm khuẩn, thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau, căng thẳng, tự miễn, lạm dụng rượu và tuổi cao. Cụ thể:
- Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) chính là một yếu tố làm xuất hiện các vấn đề khác nhau ở dạ dày
- Các loại thuốc giảm đau có thể bào mòn các lớp bảo vệ khiến niêm mạc dạ dày dễ bị viêm nếu được sử dụng lâu ngày
- Tiếp đó, căng thẳng ở mức nghiêm trọng tạo ra bởi nhiễm trùng nặng, chấn thương hoặc bỏng nặng hay bởi ca phẫu thuật lớn cũng có thể khiến người bệnh bị viêm dạ dày
- Tự miễn chính là tình trạng chính các tế bào miễn dịch hoạt động phản lại với mục đích ban đầu, thay vì bảo vệ chúng làm tổn thương và làm viêm niêm mạc dạ dày
- Rượu cũng là một tác nhân nếu bị lạm dụng bởi các thành phần trong rượu cũng khiến dạ dày bị viêm, đặc biệt là ở bờ cong nhỏ
- Niêm mạc dạ dày ở người già cũng dễ bị tổn thương hơn bởi nó có xu hướng mỏng đi qua năm tháng
- Cuối cùng, người mắc bệnh Sarcoidosis và bệnh Crohn cũng có thể dễ gặp phải tình trạng viêm dạ dày
Triệu chứng loét bờ cong nhỏ dạ dày
Khi bị loét bờ cong nhỏ dạ dày, người bệnh sẽ không thể tránh khỏi những cơn đau, sự khó chịu ở vùng bụng cùng với các biểu hiện khá như:
- Vùng thượng vị của bệnh nhân xuất hiện các cơn đau rát
- Sau khi ăn, bệnh nhân cảm thấy tình trạng đau và khó chịu giảm bớt hoặc gia tăng
- Người bệnh cũng sẽ gặp phải tình trạng nôn và buồn nôn, đầy hơi và cảm giác no nhanh hơn bình thường
Tuy nhiên, cũng có một số bệnh nhân không bắt gặp triệu chứng hoặc triệu chứng không cụ thể. Đó là khi bệnh nhân thuộc một trong hai trường hợp: Viêm xung huyết tiền loét hoặc sang thương loét dạ dày.
Loét bờ cong nhỏ dạ dày có nguy hiểm không?
Loét bờ cong nhỏ dạ dày không gây nguy hiểm cho tính mạng và có thể được điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời bởi tình trạng loét kéo dài có thể gây tổn thương lớn cho dạ, có thể được coi là những biến chứng tương đối nguy hiểm.
- Xuất huyết dạ dày, xảy ra khi tĩnh mạch bị vỡ do vết loét không được kiểm soát. Biểu hiện là nôn ra máu, dịch có màu giống màu cà phê
- Thủng dạ dày, một biến chứng nguy hiểm. Lúc này, không chỉ niêm mạc mà các lớp khác của dạ dày cũng bị ăn mòn dần dẫn đến thủng dạ dày. Triệu chứng thường là đau rất nghiêm trọng, đau quặn bụng, liên tục nôn mửa…
- Ung thư dạ dày. Biến chứng này xảy ra khi bệnh nhân bị viêm loét kéo dài hơn 10 năm. Nếu để bệnh đeo bám kéo dài, sức khỏe và tinh thần của bệnh nhân cũng sẽ bị ảnh hưởng, điều này có thể dẫn đến suy nhược cơ thể nghiêm trọng
Cách điều trị loét bờ cong nhỏ dạ dày
Phương pháp điều trị loét bờ cong nhỏ dạ dày được áp dụng dựa trên nguyên nhân gây viêm loét và mức độ loét. Ví dụ, nếu bệnh nhân bị loét do lạm dụng thuốc giảm đau hoặc rượu thì đầu tiên bệnh nhân cần dừng sử dụng.
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc có tác dụng cải thiện tình trạng và triệu chứng bệnh. Các loại thuốc thường được chỉ định là:
- Thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn (trong 1-2 tuần) như clarithromycin
- Thuốc giảm hoặc ngăn chặn việc sản xuất axit
- Thuốc trung hòa axit trong dạ dày
- Thuốc đẩy nhanh quá trình lành vết loét
Phòng ngừa loét bờ cong nhỏ dạ dày
Dựa trên nguyên nhân, chúng ta có thể phần nào rút ra được cách phòng tránh loét bờ cong nhỏ dạ dày hiệu quả.
- Tránh uống nhiều rượu hoặc uống khi dạ dày rỗng bởi rượu không chỉ khiến niêm mạc dễ bị viêm loét hơn mà còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể
- Không dùng thuốc giảm đau quá nhiều hoặc kéo dài, nếu cần dùng hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ để được chỉ dẫn loại thuốc phù hợp
- Hạn chế các loại thực phẩm gây kích ứng cho dạ dày như đồ ăn cay, có tính axit, đồ chiên hoặc món nhiều dầu mỡ. Các thực phẩm này không chỉ không tốt cho dạ dày mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe về lâu dài
- Để giảm bớt hoạt động của axit trong dạ dày, hạn chế nguy cơ viêm, chúng ta có thể chia các bữa chính thành các bữa nhỏ hơn để ăn nhiều lần hơn trong một ngày
Các biện pháp này không chỉ có tác dụng phòng ngừa mà còn giúp hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.
Như vậy, bài viết trên đây đã giải thích nhiều khía cạnh liên quan đến bệnh loét bờ cong nhỏ dạ dày bao gồm định nghĩa, nguyên nhân, triệu chứng, mức độ nguy hiểm, cách điều trị chung và cách phòng ngừa bệnh. Hi vọng người đọc xây dựng và duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, lành mạnh để tránh gặp phải các vấn đề về dạ dày, về đường tiêu hóa cũng như các vấn đề sức khỏe khác.
>> Tìm hiểu:
- Viêm niêm mạc dạ dày có nguy hiểm không? Cách bảo vệ niêm mạc dạ dày
- Các loại thuốc trị viêm loét dạ dày tây y, dân gian và thuốc nam