Hội chứng cổ vai cánh tay là bệnh liên quan đến xương khớp và dây thần kinh, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe nếu không được can thiệp kịp thời. Để biết hội chứng cổ vai cánh tay là bệnh gì và điều trị như thế nào để đạt được hiệu quả tốt, mời bạn đọc theo dõi nội dung chia sẻ dưới đây.
Hội chứng cổ vai cánh tay là gì?
Hội chứng cổ vai cánh tay còn gọi là hội chứng vai cánh tay hoặc bệnh lý rễ tủy cổ. Đây là một trong các nhóm triệu chứng lâm sàng của các bệnh liên quan đến cột sống cổ. Hiện tượng này thường kèm theo tình trạng rối loạn chức năng của rễ và dây thần kinh cột sống cổ hoặc tủy cổ nhưng không có phản ứng viêm.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, hội chứng cổ vai cánh tay có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên đa phần là do mắc các bệnh về thoái hóa cột sống, hẹp lỗ tiếp hợp. Các bệnh lý này khiến rễ và dây thần kinh ở đoạn cột sống cổ bị chèn ép dẫn đến phản ứng đau mỏi vai gáy, tê bì chân tay. Nguyên nhân này chiếm khoảng 70% các trường hợp hội chứng cổ vai cánh tay.
Bên cạnh đó, hội chứng này còn có thể xảy ra do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Các nhân nhầy bên trong đĩa đệm tràn ra ngoài và chèn ép lên rễ dây thần kinh gây ra tình trạng đau nhức.
Ngoài ra, một số trường hợp hiếm gặp, hội chứng cổ vai gáy còn có thể xảy ra do loãng xương, khối u, chấn thương hoặc các bệnh lý về cột sống khác.
Thông thường, bệnh được nhận biết qua hiện tượng đau ở vùng vai, cổ và một cách tay. Người bệnh sẽ bị rối loạn cảm giác, hạn chế hoặc mất khả năng vận động tạm thời ở vùng rễ dây thần kinh cột sống bị tổn thương.
>> Tham khảo: Giải phẫu khớp vai chi tiết hình ảnh, cấu tạo và chức năng
Biểu hiện hội chứng cổ vai cánh tay
Hội chứng cổ vai cánh tay có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Ở mỗi người bệnh mức độ tổn thương lại có sự khác nhau nhất định. Tuy nhiên, biểu hiện hội chứng cổ vai cánh tay đều được nhận diện qua các dấu hiệu sau:
Hội chứng cột sống cổ
- Đau ở vùng cổ vai gáy lan tỏa xuống phần cánh tay. Cơn đau có thể xuất hiện một cách âm ỉ, kéo dài hoặc dữ dội
- Cột sống cổ bị giới hạn khả năng vận động, một số trường hợp bị vẹo cổ
Hội chứng rễ thần kinh
- Cơn đau xuất hiện từ phần gáy cổ lan đến vùng chẩm, chạy xuống vai phần cánh tay và bàn tay. Cơn đau tăng nặng hơn khi gập cổ hoặc xoay đầu
- Rối loạn khả năng vận động, cơ vai bị yếu, rối loạn cảm giác tay có thể mô tả như có kiến bò, bị bỏng hoặc tê bì ở bả vai, cánh tay và bàn tay lan xuống các ngón tay
Hội chứng tủy cổ
- Khớp bàn tay, khớp ngón tay mất đi sự dẻo dai linh hoạt vốn có. Hai tay có biểu hiện teo cơ, khó cử động khớp, đau khi di chuyển
- Ở những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể bị liệt trung ương ở hai cánh tay, liệt tứ chi, loạn phản xạ đại tiện, tiểu tiện.
Ngoài ra, hội chứng cổ vai cánh tay còn có thể có một số biểu hiện đi kèm như:
- Rối loạn hệ thần kinh thực vật, tai bị đau nhức và có tiếng ù, rối loạn khả năng quan sát, mạch vận động bất thường
- Xuất hiện các phản ứng toàn thân như rét run, sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi vào buổi tối, sụt cân bất thường
Điều trị hội chứng cổ vai cánh tay
Tùy vào mức độ tổn thương, hội chứng cổ vai cánh tay có thể được điều trị bằng một số phương pháp sau:
Chăm sóc sức khỏe tại nhà
Chăm sóc sức khỏe tại nhà là cách khắc phục hội chứng cổ vai cánh tay được áp dụng cho các trường hợp tổn thương mức độ nhẹ. Cách điều trị như sau:
- Xóa bỏ các thói quen xấu như ngồi cong vẹo cột sống, ngủ gục trên bàn,….Đồng thời điều chỉnh tư thế ngồi làm việc hợp lý, kết hợp xoa bóp, bấm huyệt, massage,….giúp thư giãn khớp.
- Sử dụng nẹp cố định cột sống để nắn chỉnh lại các vị trí khớp xương, đĩa đệm bị tổn thương, xô lệch khỏi vị trí ban đầu
- Áp dụng các bài tập thư giãn cột sống và cánh tay giúp tăng khớp xương linh hoạt, tăng cường độ đàn hồi và sự dẻo dai cho xương khớp
- Điều trị bệnh bằng các liệu pháp vật lý trị liệu như chườm nóng, chườm lạnh, châm cứu, kích điện,… Tác động của nhiệt lượng giúp kích thích tuần hoàn máu, thư giãn dây chằng, dây thần kinh,… giúp giảm đau hiệu quả
Sử dụng thuốc Tây
Các loại thuốc được chỉ định cho người bị hội chứng cổ vai gáy gồm:
- Thuốc giảm đau thông thường (paracetamol), thuốc giảm đau phối hợp paracetamol và codein, thuốc giảm đau không chứa thành phần steroid. Thuốc mang lại tác dụng giảm đau, cải thiện tình trạng nhức mỏi khớp xương hiệu quả
- Thuốc giãn cơ eperisone, mephenesin, tolperisone,… thường được sử dụng trong các trường hợp bị co cứng cơ. Thuốc giúp giải phóng áp lực cơ, thư giãn khối cơ bị tổn thương nhằm tăng cường sự vận động cho xương khớp, cột sống.
Ngoài ra, trong một số trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ kê đơn thêm các loại thuốc chống trầm cảm như nortriptyline, amitriptyline, thuốc giảm đau thần kinh và thuốc tiêm corticosteroid giúp giảm đau trong trường hợp không đáp ứng điều trị bằng thuốc dạng uống.
Tuy nhiên, người bệnh cần biết rằng, thuốc Tây thường tồn tại các tác dụng phụ không mong muốn như: Buồn nôn, chóng mặt, chảy máu dạ dày, suy gan,… Vì vậy việc sử dụng thuốc Tây cần có sự chỉ định và giám sát chặt chẽ của thầy thuốc.
Can thiệp ngoại khoa
Nếu hội chứng cổ vai gáy diễn ra với mức độ trầm trọng và không đáp ứng điều trị bằng các phương pháp bảo tồn thì người bệnh sẽ được chỉ định phương án phẫu thuật.
Phẫu thuật được thực hiện nhằm nắn chỉnh hoặc cố định lại những tổn thương ở cột sống. Đồng thời giúp giải phóng sự chèn ép dây thần kinh, loại bỏ phần nhân nhầy chèn ép tủy sống,… Nhờ vậy người bệnh sẽ cảm thấy thoải mái, đẩy nhanh tốc độ hồi phục tổn thương. Tuy nhiên, phẫu thuật thường để lại một số di chứng không mong muốn về sau, chi phí thực hiện cũng khá đắt đỏ.
Trên đây là một số thông tin chia sẻ về hội chứng cổ vai gáy. Hy vọng đã giúp mọi người trang bị thêm cho mình những kiến thức bổ ích trong việc chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa các bệnh liên quan đến cột sống, xương khớp. Chúc bạn đọc nhiều may mắn trong cuộc sống!
>> Xem thêm: Đau vai trái là bệnh gì? Mẹo chữa an toàn, hiệu quả