Châm cứu bấm huyệt là phương án được nhiều người lựa chọn khi mắc gai cột sống. Có nhiều người chữa được bệnh nhưng cũng có trường hợp tiền mất tật mang. Vậy gai cột sống có nên châm cứu không và nếu có thì thực hiện thế nào để đạt hiệu quả mong muốn. Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.
Gai cột sống có nên châm cứu không?
Gai cột sống là một dạng bệnh lý xương khớp khá phổ biến với số lượng người mắc cao. Nếu những năm trước, bệnh này chủ yếu gặp ở người ngoài 60 tuổi thì thời gian gần đây, gai cột sống được “trẻ hóa”. Những người ngoài 30 tuổi mắc bệnh tăng đáng kể, đặc biệt là đối tượng dân văn phòng.
Châm cứu bấm huyệt là cách chữa gai cột sống được sáng tạo bởi các thầy thuốc phương Đông từ lâu đời và vẫn còn nguyên giá trị tới ngày nay. Châm cứu về bản chất là việc giúp cơ thể cân bằng âm dương dựa trên những nguyên lý hoạt động của khí.
Đông y cho rằng, hiện tượng đau sinh ra là do âm dương trong cơ thể đảo lộn khiến khí bị tắc nghẽn, châm cứu sẽ giúp tăng cường tuần hoàn máu, khai thông các mạch máu và khí huyết bị ứ trệ từ đó cơ thể sẽ sản sinh ra phản ứng đối phó lại với các cơn đau.
Những giá trị to lớn của châm cứu phải kể đến là:
- Trong khi châm cứu cơ thể sẽ giải phóng ra endorphin – chất giúp giảm đau nhanh chóng.
- Cơ thể được thư giãn, thoải mái, giảm stress.
- Do tác động trực tiếp vào các mạch máu sẽ giúp tăng lượng máu và oxy đi khắp các cơ quan trong cơ thể, mang lại cảm giác khỏe khoắn, sảng khoái.
3 cách châm cứu chữa gai cột sống thường dùng
Trước khi thực hiện châm cứu người bệnh cần được thăm khám để đánh giá chính xác mức độ bệnh lý cũng như khả năng đáp ứng để chọn được phương pháp châm phù hợp. Về cơ bản, châm cứu là việc dùng các đầu kim có kích thước khác nhau để châm vào các huyệt đạo trên cơ thể. Các cách châm được nhiều người lựa chọn nhất là:
Điện châm
Thực hiện: Sau khi xác định được huyệt và sát trùng da thì dùng kim châm vào các huyệt và kích thích huyệt bằng máy điện châm bằng cách thay đổi tần số phụ thuộc vào mức độ chịu đựng của người bệnh. Thời gian châm kéo dài khoảng 20 phút sau đó sẽ rút kim ra và sát khuẩn lại.
Tác dụng: Với sự hỗ trợ của dòng điện nhỏ khi vừa rung vừa châm sẽ giúp người bệnh giảm bớt đau đớn hơn so với việc chỉ châm bằng tay.
Thủy châm
Thực hiện: Dùng một lượng thuốc tây y nhất định thay vì dùng để tiêm bắp thì sẽ đưa trực tiếp vào huyệt để tăng thêm độ kích thích và phát huy hết hiệu quả của thuốc.
Tác dụng: Đây là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Đông – Tây y giúp giảm nhanh triệu chứng bệnh cũng như tiết kiệm được nhiều thời gian chữa bệnh.
Cấy chỉ
Thực hiện: Dùng kim châm chuyên dụng (thường là kim số 23), đưa catgut – chỉ tự tiêu vào các huyệt vị gần khu vực bị gai cột sống.
Tác dụng: Giúp người bệnh giảm đau, giảm co thắt nhanh chóng đồng thời tăng cường tuần hoàn máu và ngăn ngừa sự thoái hóa.
Các kỹ thuật châm kim
- Chọn kim có độ dài phù hợp với vùng da sắp châm. Không dùng kim đã bị cong, han gỉ…
- Sát trùng da sạch sẽ, vô trùng kim.
- Thực hiện châm qua da bằng việc cầm thẳng kim bằng 3 hoặc 4 ngón tay.
- Với vùng da dày cần căng da, da mỏng cần véo da để thuật tiện châm.
- Vê kim đều đặn và linh hoạt để tìm cảm giác đắc khí.
Xem thêm Khám gai cột sống ở bệnh viện nào tốt tại Hà Nội và TP HCM
Lưu ý khi châm cứu chữa gai cột sống
Không phủ nhận những giá trị to lớn của châm cứu khi chữa bệnh gai cột sống song trước khi thực hiện bệnh nhân cần hết sức lưu ý những yếu tố rủi ro bao gồm:
- Teo cơ, thậm chí là liệt nếu người châm không có chuyên môn cao, châm sai huyệt đạo hoặc châm nhầm vào các dây thần kinh.
- Kim châm cần được vô trùng, nếu dùng chung kim châm với người khác bạn có thể bị nhiễm trùng máu hoặc mắc các bệnh lây nhiễm qua đường máu khác.
- Nếu thực hiện châm cứu bấm huyệt quá mạnh sẽ khiến tổn thương cột sống, dây chằng và các bộ phận lân cận.
- Châm cứu sẽ phát huy hết tác dụng khi bệnh còn ở giai đoạn nhẹ, phương pháp này không thể trị dứt điểm được bệnh mà chỉ góp phần hỗ trợ điều trị.
- Không châm cứu trong trường hợp gai xương đã chèn ép lên các dây thần kinh hoặc tủy sống.
- Không châm cứu vào những vùng có vết thương ngoài da đang lở loét hoặc khi cơ thể người bệnh đang suy nhược.
Ngoài ra, để quá trình châm cứu diễn ra hiệu quả người bệnh cần chú ý:
- Tắm rửa sạch sẽ và hạn chế các hoạt động khiến cơ thể đổ mồ hôi trước khi châm cứu.
- Không nên ăn quá đói hoặc quá no, cố gắng giữ tinh thần thoải mái, giải tỏa hết các căng thẳng, stress.
- Mặc trang phục rộng rãi, thoải mái để thuận lợi cho quá trình châm cứu.
- Nên đi cùng người thân phòng khi cần sự giúp đỡ trong trường hợp xảy ra những tác dụng phụ không mong muốn.
Đồng thời khi châm cứu người bệnh cần chọn tư thế sao cho vùng châm được bộc lộ rõ nhất. Thông thường với những người bị gai cột sống sẽ nằm sấp hoặc ngồi châm. Bệnh nhân cần giữ được tư thế thoải mái trong suốt thời gian lưu kim, nếu thấy có hiện tượng cong kim, đau, gãy kim hãy dừng lại ngay.
Để tránh những rủi ro này người bệnh cần lựa chọn những cơ sở châm cứu uy tín, được Bộ y tế cấp phép đồng thời trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về châm cứu để phòng ngừa những trường hợp xấu xảy ra.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh.