Đau dạ dày khi mang thai là tình trạng khiến nhiều mẹ bầu cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sức khỏe. Vậy đâu là nguyên nhân chính gây ra vấn đề này? Các biện pháp giải quyết nào là an toàn và hiệu quả nhất? Bạn đọc hãy cùng tìm hiểu với bài viết sau đây nhé
Nguyên nhân đau dạ dày khi mang thai
Đau dạ dày khi mang thai không phải là tình trạng hiếm gặp nhưng lại có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tâm lý của mẹ bầu. Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây ra chứng bệnh khó chịu này ở thai phụ:
- Sự giãn nở của tử cung: Khi phôi thai được hình thành bên trong tử cung, thành tử cung sẽ bắt đầu giãn nở để chuẩn bị cho sự phát triển sau này của em bé. Sự giãn nở đột ngột này có thể gây áp lực lên những bộ phận gần đó như dạ dày và đường ruột, gây ra cảm giác đau nhức khó chịu trong thời kỳ đầu mang thai (12 tuần đầu).
- Sự thay đổi của nội tiết tố: Khi người phụ nữ mang thai, hormone nội tiết là estrogen thường có sự biến đổi nhất định. Điều này có thể gây ra một số thay đổi trong cơ thể của mẹ bầu, ví dụ như ốm nghén. Trong một số trường hợp đặc biệt, lượng hormone này có thể tác động đến hệ tiêu hóa và thành mạch dạ dày, gây ra những cơn đau âm ỉ ở người mẹ.
- Tâm lý căng thẳng và áp lực: Khi mang thai, các bác sĩ đều khuyến nghị mẹ bầu giữ cho mình tâm lý thư giãn, thoải mái để tránh gây ảnh hưởng đến thai nhi. Nhưng cũng có một số trường hợp áp lực căng thẳng từ công việc cũng như các mối quan hệ gia đình, xã hội,… khiến người mẹ cảm thấy stress. Tình trạng này về lâu dài có thể khiến sinh hoạt rối loạn, ăn uống thất thường và chứng đau dạ dày kéo dài dai dẳng.
- Ít vận động: Em bé trong bụng ngày một lớn dần, trọng lượng cơ thể người mẹ tăng lên có thể kéo theo đó tình trạng lười vận động. Lười vận động không chỉ ảnh hưởng đến xương khớp mà còn khiến quá trình tiêu hóa thức ăn chậm hơn bình thường. Hệ quả là thức ăn có thể bị tích tụ tại dạ dày, lên men và hình thành khí gas, cuối cùng gây ra chứng đau dạ dày.
- Một số nguyên nhân khác: Bên cạnh những vấn đề nêu trên, cơn đau dạ dày ở mẹ bầu còn có thể là biểu hiện tiềm ẩn của một số tình trạng nguy hiểm như thai ngoài tử cung, sảy thai,… Tuy nhiên, tỷ lệ của những nguyên nhân này khá hiếm gặp. Người mẹ nếu bị đau bao tử kèm theo tình trạng chảy máu âm đạo thì cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức.
Đau dạ dày khi mang thai có nguy hiểm không?
Đau dạ dày trong thời gian thai kỳ có thể là một vấn đề đáng lo ngại, nhất là khi mẹ bầu không rõ đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong một số trường hợp, đau bao tử còn có khả năng là dấu hiệu của sảy thai, thai ngoài tử cung,… rất nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng gây ra tâm lý mệt mỏi cho người mẹ và khiến cơ thể suy nhược hơn trong thai kỳ. Theo các chuyên gia, nếu cảm giác đau nhức kéo dài dai dẳng nhiều ngày hoặc xảy ra một cách đột ngột không báo trước, người mẹ cần đi khám tại bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất.
Đau dạ dày khi mang thai phải làm sao?
Trong quá trình mang thai, các mẹ bầu phải hạn chế tối đa khi sử dụng các loại thuốc uống. Người bệnh tốt nhất nên tuân thủ đúng theo hướng dẫn điều trị từ bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân và thai nhi.
Các biện pháp tại nhà
Nếu tình trạng đau dạ dày không quá nghiêm trọng, các mẹ bầu có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà dưới đây:
- Tắm nước ấm: Nước ấm có thể kích thích lưu thông tuần hoàn máu, thư giãn các cơ bắp đang co thắt và giảm đau nhức hiệu quả. Người mẹ nên dành khoảng vài phút ngâm mình trong bồn nước ấm mỗi ngày, có thể sử dụng thêm cả tinh dầu thảo mộc để tăng thêm cảm giác dễ chịu.
- Nhâm nhi một ly trà ấm: Các loại trà thảo mộc như quế, hoa cúc, bạc hà,… đều có chứa nhiều hoạt chất chống viêm và giảm đau. Các mẹ bầu nên trao đổi trước với bác sĩ để đảm bảo những loại thảo mộc đang sử dụng không gây hại cho sự phát triển của em bé. Các mẹ cũng nên thưởng trà sau khi ăn xong để kích thích dạ dày tiêu hóa tốt hơn.
- Chườm khăn nóng: Chườm khăn nóng là một trong những biện pháp giảm đau cấp tốc rất hiệu quả. Nhiệt lượng từ khăn nóng có thể giúp thả lỏng các cơ bắp đang co cứng, từ đó giảm đau nhanh chóng. Lưu ý thời gian chườm khăn nóng chỉ nên kéo dài tối đa 5 phút.
Sử dụng các loại thuốc Tây y
Như đã nói ở trên, việc sử dụng thuốc Tây y trong thời gian thai kỳ cần rất thận trọng. Nếu nguyên nhân gây ra đau dạ dày khi mang thai là do chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp, bệnh nhân có thể sử dụng một số thuốc kháng axit như maalox, mylanta, tums,..và một số thuốc simethicone như mylicon để giảm đau.
Phòng tránh chứng đau dạ dày khi mang thai
Để phòng tránh tình trạng đau bao tử khi mang thai, các mẹ bầu cần lưu ý một số điều sau đây:
- Đi khám định kỳ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Việc này không chỉ giúp theo dõi quá trình phát triển của em bé mà còn giúp người mẹ phát hiện kịp thời những tình trạng bệnh lý có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Giữ tâm lý luôn thoải mái, vui vẻ và lạc quan. Điều này giúp thai nhi phát triển tốt hơn, người mẹ cũng tránh được nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe như bệnh dạ dày, bệnh hệ tiêu hóa và stress.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc chưa tinh chế trong bữa ăn hàng ngày. Người mẹ cũng cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
- Dành thời gian vận động nhẹ nhàng cho cơ thể khoảng 15 đến 20 phút mỗi ngày. Thể dục giúp tăng cường lưu thông khí huyết, giảm đau nhức khớp háng, khớp gối và giúp cơ thể đốt cháy lượng calo dư thừa.
Đau dạ dày khi mang thai là vấn đề rất đáng lưu tâm đối với các mẹ bầu. Lời khuyên tốt nhất là người bệnh nên đi thăm khám sớm tại bệnh viện ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán và điều trị. Bên cạnh đó, các mẹ bầu cũng nên có lối sống lành mạnh, khoa học để phòng ngừa những tác động xấu có thể ảnh hưởng đến thai nhi.