Đau dạ dày là một trong những vấn đề sức khỏe rất phổ biến ngày nay, ảnh hưởng đến tất cả mọi người, không phân biệt độ tuổi hay giới tính. Không ít người thường chủ quan khi gặp phải tình trạng này mà không biết rằng đây có thể là nguy cơ tiềm ẩn của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như viêm loét và chảy máu dạ dày.
Đau dạ dày là gì?
Đau dạ dày là tình trạng lớp niêm mạc bao tử co thắt hoặc bị tổn thương, khiến người bệnh cảm thấy khó chịu xung quanh vùng bụng trên. Các cơn đau bao tử có thể đến một cách đột ngột dạng cấp tính nhưng cũng có thể phát triển thành dạng mãn tính, gây không ít ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và hoạt động thường nhật của người bệnh.
Tình trạng này có thể xảy ra ở tất cả các đối tượng, không phân biệt theo độ tuổi hay giới tính. Hiện nay, đau bao tử được xem là một trong những vấn đề rối loạn tiêu hóa phổ biến nhất, với số ca bệnh hàng năm lên đến hàng triệu người. Nếu không được phát hiện và xử lý đúng cách, đau bao tử có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hại đến sức khỏe, ví dụ như viêm loét dạ dày, chảy máu trong dạ dày,…
Nguyên nhân của chứng đau dạ dày
Dạ dày bị đau có thể là do các nguyên nhân sau đây:
- Vi khuẩn H.pylori: Vi khuẩn H.pylori là một loại vi khuẩn có thể tồn tại trong niêm mạc dạ dày mà không bị tiêu diệt bởi axit dịch vị. Khi chúng tấn công thành mạch và khiến các mô tế bào bị tổn thương, người bệnh có thể bị đau bao tử, thậm chí về lâu dài có thế dẫn đến viêm loét dạ dày – tá tràng nếu không được điều trị sớm.
- Lạm dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn: Thuốc giảm đau không kê đơn là một trong những biện pháp giảm đau tiện lợi và hiệu quả được rất nhiều người áp dụng hiện nay. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc quá liều có thể gây ra những tác dụng phụ với hệ tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày. Lý do là vì các hoạt chất chống viêm trong thuốc giảm đau có thể gây kích ứng cho niêm mạc dạ dày.
- Thói quen sinh hoạt kém lành mạnh: Các nhà khoa học cho rằng những người có thói quen sinh hoạt kém lành mạnh, ví dụ như bỏ bữa, ăn quá nhanh, thức khuya, nghiện rượu, nghiện thuốc lá,… có nguy cơ bị đau bao tử cao hơn người bình thường. Những thói quen này có thể gây ảnh hưởng đến quá trình co bóp và tiêu hóa thức ăn của dạ dày, kéo theo đó là những tổn thương tại lớp niêm mạc.
- Chế độ dinh dưỡng không thích hợp: Việc tiêu thụ quá nhiều đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn cay nóng và các loại nước có gas có thể là nguyên nhân gây ra chứng đau dạ dày. Các thành phần hóa học có trong những loại thực phẩm này rất dễ khiến dạ dày bị kích ứng cũng như làm đảo lộn quá trình tiêu hóa của đường ruột.
- Tâm lý căng thẳng kéo dài: Tâm lý căng thẳng cũng như stress kéo dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, trong đó gồm cả đau bao tử. Khi trung khu thần kinh chịu áp lực trong thời gian dài, dạ dày có khả năng co bóp nhiều hơn cũng như sản sinh ra nhiều axit dịch vị hơn bình thường. Điều này có thể dẫn đến những cơn đau bụng thường xuyên, kèm theo đó là cảm giác buồn nôn khó chịu mỗi khi ăn no.
Triệu chứng đau dạ dày thường gặp
Người bệnh đau bao tử có thể gặp phải một số các triệu chứng dưới đây:
- Đau vùng bụng trên: Cơn đau dạ dày có thể lan rộng khắp vùng bụng trên, ví dụ như thượng vị, bên trái và bên phải bụng. Những cơn đau này thường quặn thắt, buốt nhói hoặc âm ỉ rất khó chịu. Người bệnh có thể cảm thấy tồi tệ hơn nếu ăn quá no hoặc để bụng quá đói.
- Buồn nôn, nôn mửa: Khi dạ dày co bóp quá độ, thức ăn chưa được tiêu hóa kịp có thể bị đẩy ngược lên ống thực quản. Vì vậy mà người bệnh thường buồn nôn, có vị chua trong cổ họng hay thậm chí là nôn mửa.
- Cơ thể mệt mỏi, ăn không còn cảm giác ngon miệng: Dù chiếm tỷ lệ khá thấp nhưng người bệnh đau bao tử có thể gặp phải tình trạng ăn mất ngon và cơ thể mệt mỏi do việc hấp thu năng lượng kém hơn. Đây là hậu quả của việc những cơn đau dạ dày kéo dài dai dẳng gây ra bởi vấn đề tâm lý căng thẳng và rối loạn.
- Dịch nôn có máu hoặc phân lẫn máu: Nếu người bệnh gặp phải triệu chứng này nghĩa là tình trạng đau bao tử đã bắt đầu phát triển nặng hơn. Các lớp niêm mạc dạ dày bị xói mòn nghiêm trọng dẫn đến chảy máu trong. Vì vậy mà các dấu hiệu nôn ra máu hoặc phân lẫn máu trở nên rõ ràng hơn.
Đau dạ dày có nguy hiểm không?
Nhiều người thường cho rằng đau bao tử không phải là vấn đề quá nghiêm trọng và có thể được cải thiện nhờ vào việc dùng thuốc điều trị. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng nếu người bệnh phát hiện triệu chứng kịp thời và đi thăm khám sớm tại bệnh viện. Nếu kéo dài không xử lý triệt để, chứng bệnh này có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hại đến sức khỏe như:
- Sức khỏe giảm sút: Một trong những biến chứng phổ biến nhất của chứng đau dạ dày mãn tính chính là sức khỏe suy giảm. Dạ dày vốn đóng một vai trò rất quan trọng trong hệ thống tiêu hóa. Vì vậy, nếu nó xảy ra vấn đề, việc hấp thụ thức ăn và chuyển hóa thành năng lượng cho cơ thể cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Bên cạnh đó, những cơn đau dai dẳng cũng khiến sinh hoạt thường ngày bị đảo lộn đáng kể.
- Viêm loét dạ dày và một số khu vực khác: Ban đầu, lớp niêm mạc dạ dày chỉ bị tổn thương nhẹ và có thể tự phục hồi. Nhưng nếu người bệnh không chú ý chăm sóc và điều trị đúng cách, những tổn thương này có thể trở thành những vết viêm loét ăn sâu vào bên trong thành mạch. Tình trạng viêm nhiễm còn có khả năng lây lan sang cả các khu vực khác, ví dụ như tá tràng, môn vị,…
- Chảy máu trong dạ dày: Một khi thành dạ dày đã bị ăn mòn, nguy cơ người bệnh bị chảy máu trong là rất cao. Tình trạng này về lâu dài nếu không được giải quyết có thể kéo theo một số hệ lụy xấu như viêm nhiễm dạ dày, thiếu máu, chóng mặt thường xuyên, đi ngoài ra máu và nôn ra máu.
Cách chẩn đoán đau dạ dày
Việc chẩn đoán đau bao tử thường được tiến hành bằng khám sơ bộ trước tiên. Các bác sĩ có thể hỏi người bệnh một số vấn đề liên quan đến triệu chứng và mức độ ảnh hưởng của chúng đến sinh hoạt thường ngày. Sau đó, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện một số kiểm tra, xét nghiệm chuyên sâu dưới đây:
- Xét nghiệm nhiễm khuẩn H.pylori: Nếu các bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân gây ra đau bao tử là do nhiễm khuẩn H.pylori, người bệnh cần được xét nghiệm nhiễm khuẩn HP. Có hai cách để kiểm tra liệu vi khuẩn HP có tồn tại trong cơ thể người bệnh hay không, đó là kiểm tra ure qua hơi thở và lấy mẫu phân phân tích ống nghiệm.
- Nội soi bao tử: Đối với các vấn đề liên quan đến dạ dày, nội soi là biện pháp kiểm tra được áp dụng phổ biến nhất. Các bác sĩ đưa vào trong cơ thể người bệnh một ống nội soi chuyên dụng thông qua đường miệng, sau đó xem xét các hình ảnh truyền về qua máy tính. Hình ảnh nội soi giúp họ nhận định mức độ tổn thương của thành dạ dày và khả năng viêm loét xảy ra.
Điều trị đau dạ dày thế nào?
Điều trị bệnh đau bao tử phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra, mức độ nghiêm trọng cũng như tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Tốt nhất là người bệnh nên dành thời gian thăm khám tại bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và xây dựng phác đồ điều trị thích hợp nhất.
Bài viết dưới đây tổng hợp một số các biện pháp xử lý chứng đau bao tử thường gặp nhất hiện nay:
Các biện pháp điều trị tại nhà
Các biện pháp điều trị tại nhà thường được áp dụng với những bệnh nhân đau dạ dày ở giai đoạn đầu, mức độ nguy hiểm không cao và có nguyên nhân xuất phát từ thói quen, lối sống kém lành mạnh.
- Chườm nóng: Một trong các cách giảm đau nhanh chóng, dễ thực hiện mà hiệu quả cao chính là chườm nóng. Biện pháp này giúp thư giãn, thả lỏng cho cơ thể và giảm đau cấp tính. Những gì người bệnh cần làm chỉ là sử dụng túi sưởi điện hoặc một chiếc khăn lông được ủ nóng bằng bàn là rồi chườm lên vùng bụng bị đau trong khoảng 10 đến 15 phút.
- Sử dụng trà hoa cúc: Trà hoa cúc cũng là một trong những biện pháp “cứu cánh” hiệu quả với những người bị đau bao tử. Trong hoa cúc khô có chứa một lượng lớn các hoạt chất chống oxy hóa có khả năng chống viêm, giảm sưng tấy và giảm đau hiệu quả. Người bệnh có thể nhâm nhi một ly trà hoa cúc sau khi ăn, sử dụng đều đặn hàng ngày để hiệu quả đạt được là tốt nhất.
Các bài thuốc Đông y tốt cho người bị đau dạ dày
Bên cạnh các biện pháp tại nhà, nhiều người bệnh cũng tìm đến sự trợ giúp của các bài thuốc Đông y vì hiệu quả lâu dài và ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, để phòng tránh tương tác thuốc, người bệnh nên trao đổi trước với bác sĩ điều trị trước khi sử dụng các biện pháp Đông y tại nhà.
- Bài thuốc dạ cẩm: Bài thuốc này có thành phần chính là dạ cẩm – vị thuốc có khả năng giảm viêm, giảm đau bao tử hiệu quả. Bên cạnh dạ cẩm, bài thuốc còn sử dụng thêm một số dược liệu khác như cam thảo, mật ong và hồ nếp. Người bệnh cũng có thể điều chế bài thuốc dưới dạng viên hoàn để bảo quản và sử dụng dễ dàng hơn.
- Bài thuốc cây khôi tía: Trong Đông y, khôi tía có vị chua, tính hàn, được sử dụng trong các bài thuốc trị bệnh dạ dày nhờ vào tác dụng tiêu trừ khí uất và bình can. Bên cạnh vị thuốc chính là khôi tía sấy khô, người bệnh cần chuẩn bị thêm một số dược liệu khác như thảo thuyết minh, mẫn lệ và ô tặc cốt.
Các biện pháp Tây y
Phương pháp điều trị Tây y chủ yếu áp dụng các loại thuốc uống khác nhau, trong đó nổi bật nhất là:
- Thuốc kháng sinh: Nếu nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn H.pylori, người bệnh phải sử dụng một số loại thuốc kháng sinh như amoxicillin, metronidazole và clarithromycin. Các loại thuốc này giúp ức chế lớp màng protein bên ngoài vi khuẩn, khiến chúng mất dần dưỡng khí và bị tiêu diệt.
- Thuốc ức chế PPI: PPI hoạt động bằng cách ức chế quá trình sản xuất axit dịch vị, nhờ đó mà các tổn thương trên niêm mạc dạ dày tránh được sự bào mòn. Ví dụ: Omeprazole, lansoprazole, pantoprazole,…
- Thuốc kháng thụ thể H2: Thuốc kháng thụ thể H2 có cơ chế hoạt động khá giống với PPI, đó là giảm sản xuất axit dịch vị nhờ vào việc ức chế thụ thể H2. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể sử dụng đồng thời cả hai loại thuốc PPI và thuốc kháng H2. Ví dụ: Ranitidine.
Phòng ngừa chứng bệnh đau dạ dày
Để phòng ngừa chứng đau bao tử, mọi người cần chú ý những vấn đề sau đây:
- Xây dựng lối sống lành mạnh bằng cách ăn đủ ba bữa mỗi ngày, tránh bỏ bữa sáng, ăn chậm nhai kỹ, không thức khuya, không lạm dụng các loại thuốc giảm đau,…
- Lựa chọn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe và dễ tiêu hóa, giàu chất xơ như rau xanh đậm, trái cây tươi, các loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại thịt cá biển,… Bên cạnh đó, mọi người cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, tránh xa các thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh và các loại đồ uống có cồn, có gas.
- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên để thư giãn cho cơ bắp và thả lỏng cho đầu óc sau những giờ làm việc, lao động vất vả. Mọi người cũng nên tăng cường các hoạt động ngoài trời, mua sắm, đọc sách, nghe nhạc để hạn chế tình trạng căng thẳng tâm lý và stress.
Hy vọng bài viết trên đây đã mang đến cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích liên quan đến chủ đề đau dạ dày. Để phòng tránh những tình trạng rối loạn tiêu hóa như đau bao tử, bạn nên xây dựng cho bản thân một lối sống tốt, tránh sử dụng các chất kích thích, ăn uống lành mạnh và luyện tập thể thao thường xuyên.