Có không ít bệnh nhân băn khoăn rằng đau thần kinh tọa có nên đi bộ không? Bởi bệnh lý này đặc trưng bởi cơn đau nhức ở vùng thắt lưng và lan xuống mông, đùi và cẳng chân. Nếu bạn cũng đang vướng mắc trong vấn đề này, hãy tham khảo những thông tin, kiến thức được tổng hợp qua bài viết dưới đây.
Đau thần kinh tọa có nên đi bộ không?
Đau thần kinh tọa hay đau thần kinh hông to là hiện tượng chèn ép rễ thần kinh tại vùng thắt lưng gây ra các cơn đau nhức khó chịu. Cơn đau này có đặc tính cơ học, nghĩa là mức độ cơn đau sẽ giảm đi khi người bệnh nghỉ ngơi và tăng lên khi vận động đi lại, cúi người, xoay người.
Đặc biệt, động tác đi bộ sẽ trực tiếp tác động tới chi dưới, thắt lưng và làm bùng phát cơn đau dây thần kinh tọa. Vì vậy, khá nhiều người bệnh băn khoăn rằng “Đau thần kinh tọa có nên đi bộ không?”
Theo các bác sỹ chuyên khoa cơ xương khớp, bệnh nhân đau thần kinh tọa vẫn có thể đi bộ hoặc tập luyện một số môn thể dục thể thao khác. Việc đi bộ sẽ giúp khả năng vận động của bệnh nhân được cải thiện, giảm áp lực tác động đến dây thần kinh, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả điều trị.
Đi bộ cũng là môn thể dục nhẹ nhàng, người bệnh có thể tự điều chỉnh mức độ sao cho phù hợp với thể trạng của bản thân. Do đó, trong khi điều trị bệnh lý này, người bệnh nên thường xuyên đi bộ để nâng cao khả năng vận động và giải phóng các dây thần kinh đang bị đè ép.
Lợi ích của việc đi bộ đối với người bị đau thần kinh tọa
Duy trì thói quen đi bộ thường xuyên và đúng cách, người bệnh sẽ nhận được các lợi ích như sau:
Giải phóng các rễ thần kinh đang bị đè ép
Thần kinh tọa là dây thần kinh đi từ vùng thắt lưng xuống chi dưới cho tới bàn chân. Dây thần kinh này sẽ bị đè nén và chèn ép nếu bệnh nhân vận động sai tư thế hoặc cột sống xuất hiện bất thường. Đi bộ đều đặn và thường xuyên sẽ giúp cột sống ổn định trở lại và giải phóng các rễ thần kinh đang bị đè ép, từ đó giúp giảm thiểu cơn đau cùng các dấu hiệu đi kèm.
Kiểm soát trọng lượng cơ thể
Tình trạng thừa cân, béo phì sẽ làm nguy cơ mắc chứng đau thần kinh toạ tăng lên. Việc tập luyện, đi bộ hàng ngày giúp người bệnh đốt cháy mỡ thừa, tránh tình trạng cân nặng tăng đột ngột và tăng cường sức mạnh cơ bắp. Kiểm soát trọng lượng cơ thể là một yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của việc chữa trị chứng đau thần kinh tọa và các bệnh khác về xương khớp.
Tăng cường khả năng vận động
Bệnh lý trên có thể khiến chi dưới bị đau nhức và làm chức năng vận động của bệnh nhân suy giảm. Điều này khiến những người mắc bệnh ít di chuyển, tập luyện dẫn đến tình trạng teo cơ. Đi bộ đều đặn, thường xuyên sẽ giúp bệnh nhân khôi phục khả năng hoạt động của chân và ngăn ngừa biến chứng liệt chi, teo cơ,…
Ngăn ngừa thoái hóa thần kinh
Các rễ thần kinh bị đè ép lâu ngày có thể thoái hoá vì không được cung cấp đủ dưỡng chất để phục hồi và tái tạo. Nếu bạn tập thể dục và đi bộ thường xuyên, tuần hoàn máu sẽ được cải thiện, đặc biệt là tại vùng thắt lưng. Từ đó, quá trình chuyển hoá chất dinh dưỡng được tăng cường, nguy cơ thoái hoá, thương tổn thần kinh cũng giảm đi rất nhiều.
Các ích lợi khác
Thường xuyên đi bộ còn mang tới nhiều lợi ích khác như giảm nguy cơ suy giãn tĩnh mạch chi dưới, tăng cường chức năng tiêu hoá, giảm căng thẳng, duy trì hệ tim mạch khỏe mạnh,…
Như vậy, đi bộ đem đến rất nhiều ích lợi cho sức khỏe con người nói chung và cơ xương khớp nói riêng. Vì thế, ngoài các phương pháp trị liệu, người bệnh đau thần kinh tọa cần thường xuyên đi bộ để giải phóng áp lực đè lên các dây thần kinh và hỗ trợ làm giảm cơn đau.
Tham khảo thêm:
Người đau thần kinh tọa đi bộ thế nào là đúng?
Mặc dù đã biết được đau thần kinh tọa có nên đi bộ không. Nhưng người bệnh cần phải đi đúng cách nếu không cơn đau sẽ rất dễ bùng phát. Ngoài ra, cũng cần chú ý tới kỹ thuật, cường độ,… khi đi để tránh làm kích thích các dây thần kinh bị chèn ép và tổn thương.
Khởi động
Đi bộ là hoạt động thể chất nhẹ nhàng do đó việc khởi động thường không được thực hiện. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân đau thần kinh tọa, trước khi bắt đầu đi bộ cần khởi động, làm nóng các khớp gối, cổ chân, cột sống lưng và khớp háng bằng những động tác như cúi gập cột sống lưng, xoay đầu gối và xoay cổ chân.
Trường hợp bệnh đã ở giai đoạn nặng, bệnh nhân cần được bác sỹ hướng dẫn cách khởi động, làm nóng cơ thể trước khi tập luyện.
Cường độ và tư thế đi bộ
Bệnh nhân mắc chứng bệnh trên cần đi bộ với tư thế đúng và cường độ vừa phải, cụ thể như sau:
- Về tư thế: Khi đi bộ, bạn cần giữ cổ và lưng ở tư thế thẳng, thả lỏng vai và hướng mắt về phía trước. Không được chúi người về trước hoặc đứng cong người, vẹo người. Tư thế sai có thể làm khởi phát cơn đau chân và lưng khi đi bộ.
- Về kỹ thuật: Cần đi nhịp nhàng, độ dài mỗi bước khoảng 25 đến 40cm tùy vào chiều cao của bạn. Khi đi cần giữ nguyên phần cơ thể phía trên chứ không nên lắc vai hay đánh tay.
- Về cường độ: Khi bắt đầu luyện tập, bạn nên đi với cường độ chậm, bước chân nhỏ để các khớp xương nóng lên. Sau từ 5 đến 10 phút, bạn có thể nâng cường độ này lên để có thể tác động sâu tới dây thần kinh, xương khớp và cơ bắp. Tuy nhiên, bạn không nên đi quá nhanh vì điều này dễ kích thích những cơn đau nhức ở khớp gối và thắt lưng.
Thời gian tập luyện
Trong khoảng 2 tuần đầu, bạn chỉ nên đi bộ từ 15 đến 20 phút. Sau đó, tuỳ vào tình hình sức khoẻ mà bạn có thể tăng thời gian luyện tập lên 20 tới 40 phút. Về tần suất, trong 1 đến 2 tuần đầu tiên bạn nên đi khoảng 3 đến 4 lần mỗi tuần. sang tuần thứ 3, bạn có thể tập luyện 4 đến 5 buổi/tuần.
Hy vọng bài viết ngày hôm nay đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc “đau thần kinh tọa có nên đi bộ không?” cũng như các vấn đề cần chú ý khi luyện tập. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn vẫn nên hỏi ý kiến chuyên gia, bác sỹ trước khi tiến hành luyện tập nhé.